Theo dữ liệu từ nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, trong 2 năm qua, mức độ quan tâm đến bất động sản các tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình… tăng trưởng cao hơn Hà Nội. Đơn cử, tính đến quý 4/2024, lượt tìm kiếm bất động sản Vĩnh Phúc tăng 42% so với quý 1/2023, hay Hưng Yên tăng 111%. Trong khi đó, chỉ số này của Hà Nội giảm nhẹ 7%.
Từ năm 2008 đến nay, Thủ đô chuyển mình theo xu hướng “Hà Nội mở rộng”. Nhiều chủ đầu tư lớn đã phát triển các dự án trọng điểm, bổ sung nguồn cung bất động sản tại các thành phố vệ tinh với sự ra đời của loạt khu đô thị như Ecopark, Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park, Gamuda Gardens…Hầu hết các dự án này thu hút lượng lớn cư dân đến sinh sống, vui chơi và làm việc. Giá bán cũng đã tăng từ 2 đến 4 lần trong khoảng 8 năm qua.
Ông Bạch Dương, Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định xu hướng dịch chuyển ra các thành phố vệ tinh được dẫn dắt bởi quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Hạ tầng đồng bộ như Vành đai 2, 3, cao tốc và metro giúp kết nối thuận tiện. Giá bất động sản Hà Nội tăng mạnh do khan hiếm quỹ đất. Ngoài ra, mật độ dân số cao và ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại nội đô khiến nhiều người quan tâm hơn đến các thành phố vệ tinh.
Giai đoạn 2025 - 2026, thị trường bất động sản vệ tinh Hà Nội dự kiến đón nhận nhiều dự án khu đô thị mới. Các chủ đầu tư lớn đổ bộ về các khu vực cửa ngõ thủ đô với những dự án như Thanh Xuan Valley (BIM Land), Sun Urban City (Sun Group), Vinhomes Global Gate (Vinhomes)…
Theo đó, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam… đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ quỹ đất rộng, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện và chính sách phát triển đô thị bền vững. Không tăng vọt quá nóng, giá bất động sản ở một số tỉnh này tăng trưởng ổn định, thể hiện tiềm năng trong dài hạn. Đơn cử, giá bất động sản Vĩnh Phúc đã tăng 33%, Bắc Ninh tăng 45% trong giai đoạn từ đầu 2022 đến cuối 2024.
Báo cáo Tâm lý người tiêu dùng Q4/2024 từ Batdongsan.com.vn cho thấy 86% người Việt Nam tham gia khảo sát khẳng định họ quan tâm đến bất động sản xanh, thậm chí, 94% sẵn sàng chi trả cao hơn từ 5-10% cho những dự án có không gian sống trong lành và quy hoạch bền vững.
Xét ở bình diện thị trường chung, các chuyên gia đánh giá trong tương lai, bất động sản ở thành phố vệ tinh, nhất là những dự án tập trung vào phát triển xanh, bền vững sẽ tiếp tục có 3 lợi thế: quỹ đất lớn; tiện ích, hạ tầng hoàn thiện; và không gian trong lành, sống như nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, sự điều chỉnh chính sách tín dụng của ngân hàng nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản. Việc hạ lãi suất huy động và tăng trưởng tín dụng ở mức 16% hứa hẹn sẽ kích thích dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, các quy định kiểm soát rủi ro cũng đang được thắt chặt nhằm đảm bảo sự ổn định và bền vững cho nền kinh tế. Bên cạnh việc có thể tạo nên một làn sóng đầu tư mới, chính sách nới lỏng tín dụng cũng có nguy cơ đặt ra những thách thức mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư
Thị trường bất động sản năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể với khoảng 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp ba lần so với năm 2023. Dự kiến trong năm 2025, nguồn cung bất động sản sẽ tăng khoảng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng nhanh ở một số khu vực khiến khả năng hấp thụ có thể chững lại, mặc dù tỷ lệ hấp thụ vẫn duy trì trên 70%.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc nới lỏng tín dụng không đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ tăng giá nóng. Các biện pháp kiểm soát của NHNN sẽ giúp tránh tình trạng đầu cơ và giữ cho thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và chiến lược kinh doanh để thích nghi với môi trường mới.”