Các kênh đầu tư biến động mạnh, bỏ "trứng" vào giỏ nào để tránh bão?

Hạ Anh | 17:05 18/11/2022

Theo ông Phạm Thiên Quang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT cho rằng trong mỗi chu kỳ kinh tế khác nhau, hiệu suất của các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt cũng có sự khác biệt.

Các kênh đầu tư biến động mạnh, bỏ "trứng" vào giỏ nào để tránh bão?

Chu kỳ kinh tế là tổng hợp những biến động tự nhiên của nền kinh tế giữa các pha hồi phục, hưng thịnh, suy thoái và khủng hoảng. Trong đó ở mỗi chu kỳ, sự phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư cũng có sự khác biệt. Vậy Việt Nam đang ở trong chu kỳ kinh tế nào? Nhà đầu tư nên bỏ "trứng" vào giỏ nào để có hiệu suất sinh lời tốt nhất trong giai đoạn này?

Tại buổi DWEALTH Talk số 15 do Chứng khoán VNDirect tổ chức, ông Phạm Thiên Quang - Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT cho rằng trong mỗi chu kỳ kinh tế khác nhau, hiệu suất của các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt cũng có sự khác biệt.

Đối với cổ phiếu, khi nền kinh tế vào chu kỳ hồi phục cổ phiếu sẽ tăng rất mạnh, giai đoạn suy thoái có thể diễn biến ngược lại. Khi đó, hiệu suất của trái phiếu tốt sẽ ổn định hơn cổ phiếu phiếu và tất nhiên tiền vẫn là vua trong mỗi thời kỳ suy thoái. Do đó, việc nhận diện chu kỳ kinh tế và thay đổi tỷ trọng tài sản sẽ giúp nhà đầu tư có được thành quả đầu tư tốt hơn rất nhiều.

Chu kỳ kinh tế dựa trên biểu tượng 4 mùa

Chuyên gia VNDirect đưa ra 4 chu kỳ kinh tế dựa trên biểu tượng của 4 mùa trong năm.

“Chu kỳ mùa xuân” đến khi niềm tin tiêu dùng cải thiện theo GDP, hoạt động kinh tế và việc làm cải thiện từ từ, lãi suất tăng chậm từ đáy rất thấp và CPI tăng nhẹ từ mức thấp. Khi đó, giá bất động sản tạo đáy hồi đầu xuân và giá cổ phiếu tăng bền vững và đạt đỉnh cuối xuân.

“Chu kỳ mùa hạ” xuất hiện khi cung tiền, tín dụng tăng đột biến và đáy CPI lên đỉnh. Đồng thời, nội tệ bắt đầu phá giá mạnh và lãi suất tăng nhanh và đạt đỉnh. Trong chu kỳ này, giá BĐS tăng mạnh và cổ phiếu chịu áp lực bán, chạm đáy vào cuối hạ.

“Chu kỳ mùa thu”, CPI giảm và chính sách tài khoản tiền tệ nới lỏng quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng và niềm tin người tiêu dùng tăng cao theo thu nhập. Khi đó, đầu tư, vay nợ doanh nghiệp và cá nhân đạt đỉnh điểm, giá BĐS đạt đỉnh đầu mùa đông và TTTCK sẽ tăng mạnh và đạt đỉnh cuối thu.

“Chu kỳ mùa đông” xảy ra khi đổ vỡ tín dụng lãi suất tăng mạnh, vỡ nợ phá sản xảy ra phổ biến. Đặc biệt, nhiều công ty tài chính rơi vào khủng hoảng và vay nợ giảm mạnh. Trong chu kỳ này, sản xuất sẽco hẹp, tồn kho tăng cao, thất nghiệp tăng tiêu dùng giảm. Đồng thời, giá BĐS giảm mạnh và TTCK bắt đầu rơi vào thị trường gấu và tạo đáy cuối đông.

Theo nhận định của chuyên gia VNDirect, nền kinh tế dần bước qua mùa hạ và đang chuyển dịch sang “chu kỳ mùa thu”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các đặc điểm trong chu kỳ này hoàn toàn giống với bối cảnh hiện tại. Với độ trễ, chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế sau khi đạt đỉnh trong quý 3/2022 sẽ giảm tốc trong các quý tới.

Thông thường, một chu kỳ từ đáy đi lên kéo dài khoảng 5-10 năm, nhanh hơn có thể từ 1-2 năm. Để nhận diện chu kỳ kinh tế theo những mùa trong năm, nhà đầu tư có thể dựa vào những chỉ báo trên biểu đồ. Nếu có đến 7/10 yếu tố đã xuất hiện, thì có thể nền kinh tế đang chuyển dịch dần sang chu kỳ mới. Tất nhiên để có thể nhanh chóng nhận diện, nhà đầu tư cần tạo lăng kính riêng và theo dõi thường xuyên.

Phân bổ tài sản như thế nào?

Về chiến lược phân bổ tài sản trong giai đoạn này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên bỏ trứng vào một giỏ. Thông thường, chiến lược phân bổ trong chu kỳ mua thu là 10% gửi tiết kiệm, 10% trái phiếu, 30% cổ phiếu, 40% bất động sản cá nhân và 10% cho vàng/ ngoại tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro thì nên cân nhắc giảm tỷ trọng.

Trong bối cảnh hiện tại khi lạm phát và lãi suất vẫn chưa thực sự hạ nhiệt, tiền mặt vẫn là vua. Thực tế cũng chứng minh khi những quỹ đầu tư cầm nhiều tiền mặt là đã chiến thắng trong giai đoạn thị trường lao dốc. Tích luỹ nguồn tiền mặt dồi dào cũng là một lợi thế lớn để nắm bắt cơ hội khi thị trường mở ra một chu kỳ mới.

Bên cạnh đó, trái phiếu cũng là không kênh đầu tư khá ổn định trong chu kỳ kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, sau những vụ việc lùm xùm trên thị trường trái phiếu cũng khiến nhà đầu tư mất niềm tin rất nhiều. Do đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh nhà đầu tư cần chọn lựa những trái phiếu của doanh nghiệp tốt, có dòng tiền ổn định.

Về kênh chứng khoán, chuyên gia cho rằng đến khi lạm phát và lãi suất giảm thì mới có chu kỳ cho cổ phiếu đi lên. Nếu nhà đầu tư vẫn lựa chọn cổ phiếu thì nên ưu tiên chiến lược phòng thủ.

Về nhóm ngành cụ thể, chuyên gia cho rằng những nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, y tế sức khoẻ và dịch vụ công ích sẽ phù hợp đầu tư trong giai đoạn kinh tế suy thoái.

Khi chuyển từ đáy suy thoái, nhà đầu tư có thể tự tin mua cổ phiếu tài chính, bất động sản, công nghệ, thép. Nhưng cũng cần lưu ý đó là trong trường hợp ngành bất động sản không diễn biến xấu đi.

Nhìn về dài hạn, ông Phạm Thiên Quang cho rằng cổ phiếu là một kênh sinh lời tốt, phù hợp để đầu tư với tầm nhìn 3- 4 năm tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các kênh đầu tư biến động mạnh, bỏ "trứng" vào giỏ nào để tránh bão?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO