Trong bức tranh phát triển của ngành thẩm định giá, người ta thường nhắc đến những thẩm định viên có chứng chỉ hành nghề, những báo cáo thẩm định giá giá trị hàng tỷ đồng hay những bản ý kiến chuyên môn gửi tới ngân hàng và tòa án.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, phía sau đó là các cuộc khảo sát, hàng trăm bức ảnh hiện trạng và nhiều giờ đo đạc ngoài hiện trường – công việc thầm lặng của những trợ lý và cộng tác viên (CTV) thẩm định giá.
CTV thẩm định giá là những người trực tiếp đi khảo sát thực tế, thu thập thông tin, chụp ảnh hiện trạng, đo đạc và xử lý số liệu ban đầu. Dù đảm nhận nhiều công đoạn quan trọng và đối mặt với không ít áp lực nghề nghiệp nhưng chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển và sự ghi nhận dành cho họ vẫn là một khoảng trống đáng bàn trong bức tranh nhân sự của ngành.
Thu nhập từ khoán sản phẩm
Trong bối cảnh nhu cầu thẩm định giá ngày càng tăng cao, một trong những khó khăn lớn nhất của các công ty thẩm định giá là việc thiếu hụt nhân sự hỗ trợ. Các công ty thường phải phụ thuộc vào trợ lý thẩm định viên hoặc CTV bán thời gian để thực hiện các công đoạn khảo sát, thu thập dữ liệu, điều này dẫn đến việc không có một lực lượng nhân sự ổn định, có trình độ đồng đều và đáng tin cậy.
Hầu hết nhân sự trợ lý/CTV là sinh viên ngành Thẩm định giá, Kinh tế… hoặc những người quen, người thân được giới thiệu nội bộ. Họ có thể làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian, chủ yếu đi khảo sát hiện trường, chụp ảnh, đo đạc, thu thập số liệu sơ bộ cho thẩm định viên.
Hiện chưa có chính sách rõ ràng và đồng nhất về mức chi trả, chế độ bảo hiểm, chế độ đãi ngộ cho lực lượng này giữa các doanh nghiệp. Mức thu nhập phổ biến mang tính khoán sản phẩm, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/lần khảo sát, tùy vị trí và mức độ phức tạp.
Công việc tiềm ẩn rủi ro nghề nghiệp cao như va chạm dân sinh, tranh chấp quyền tài sản tại hiện trường... nhưng hầu như chưa có cơ chế bảo vệ hoặc bồi thường hợp lý cho trợ lý/CTV. Điều này khiến các công ty thường xuyên phải “chắp vá” nhân sự theo từng thời điểm, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng khảo sát thực địa.
Thuận lợi và rủi ro khi sử dụng
• Thuận lợi:
1. Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp:
Việc sử dụng trợ lý/CTV, đặc biệt là những người làm việc bán thời gian, giúp các công ty thẩm định giá tiết kiệm chi phí nhân sự. Thay vì phải tuyển dụng nhân viên chính thức và chi trả lương tháng, các doanh nghiệp có thể hợp tác với trợ lý/CTV khi cần thiết, đảm bảo tính linh hoạt trong nguồn nhân lực.
2. Tăng cường khả năng khảo sát ở nhiều khu vực:
Với đội ngũ trợ lý/CTV đông đảo, các công ty thẩm định giá có thể mở rộng phạm vi khảo sát, nhất là ở những khu vực xa xôi, khó tiếp cận. trợ lý/CTV có thể dễ dàng tiếp cận những nơi mà thẩm định viên chính thức không thể đi khảo sát trực tiếp, nhờ vào sự linh hoạt trong công việc.
3. Giảm bớt áp lực công việc cho thẩm định viên:
Các thẩm định viên có thể tập trung vào việc phân tích và lập báo cáo thẩm định giá, trong khi các trợ lý/CTV chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu ban đầu, chụp ảnh hiện trạng, đo đạc, qua đó giúp giảm tải khối lượng công việc cho các thẩm định viên.
• Rủi ro:
1. Chất lượng thông tin thu thập chưa đảm bảo:
Một trong những rủi ro lớn nhất khi sử dụng trợ lý/CTV là chất lượng của thông tin thu thập. Bởi lẽ, các trợ lý/CTV thường thiếu kinh nghiệm và đào tạo bài bản, nên có thể dẫn đến việc thu thập thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng báo cáo thẩm định và uy tín của công ty thẩm định giá.
2. Thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng xử lý tình huống:
Các trợ lý/CTV, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm trong ngành, có thể không xử lý tốt các tình huống phát sinh khi đi khảo sát. Họ có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với các vấn đề phát sinh tại hiện trường, như sự cố giao thông, tranh chấp tại khu đất, hay không hiểu rõ các quy định pháp lý liên quan đến tài sản được thẩm định.
3. Rủi ro về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm chuẩn mực thẩm định giá:
Một vấn đề đáng lo ngại là rủi ro gian lận và thiếu đạo đức nghề nghiệp. Các trợ lý/CTV, nhất là những người chưa được đào tạo đầy đủ về đạo đức nghề nghiệp, có thể bị mua chuộc hoặc cấu kết với khách hàng, ngân hàng hoặc các nhân sự khác để làm giả thông tin hoặc gian lận trong việc thẩm định giá trị tài sản. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm định, mà còn có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực thẩm định giá và gây tổn hại đến uy tín của công ty. Đặc biệt, khi thông tin bị bóp méo hoặc tài sản bị đánh giá sai lệch, các tổ chức có thể đối mặt với các vụ kiện tụng, hoặc những hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
4. Rủi ro về pháp lý và bảo mật thông tin:
Trợ lý/CTV liên quan đến các dữ liệu nhạy cảm, đặc biệt là thông tin tài sản và giá trị của các công trình. Nếu trợ lý/CTV không tuân thủ các quy trình bảo mật, hoặc nếu có sự cố xảy ra khi thu thập thông tin, công ty có thể gặp rủi ro pháp lý. Việc bảo mật thông tin của khách hàng và tài sản là yếu tố sống còn đối với ngành thẩm định giá.
5. Vấn đề về trách nhiệm và sự cam kết lâu dài:
Vì là lực lượng làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian hoặc theo hợp đồng ngắn hạn, trợ lý/CTV có thể không cam kết lâu dài với công ty. Điều này dẫn đến sự không ổn định trong đội ngũ nhân lực, khiến công ty gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng công việc và sự ổn định trong các dự án dài hạn.
Đề xuất giải pháp an toàn cho việc sử dụng nhân sự trợ lý và cộng tác viên thẩm định giá
1. Tăng cường đào tạo và chuẩn hóa quy trình làm việc, đào tạo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp:
Để giảm thiểu rủi ro về chất lượng thông tin và đạo đức nghề nghiệp, các công ty thẩm định giá cần triển khai các chương trình đào tạo cho nhân sự trợ lý/CTV. Các khóa học này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn về kỹ thuật thẩm định, mà còn tập trung vào việc xây dựng ý thức đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ các chuẩn mực thẩm định giá. Đặc biệt, việc giải thích rõ ràng các quy định pháp lý liên quan đến thu thập và sử dụng thông tin sẽ giúp nhân sự hiểu rõ hơn về trách nhiệm của họ trong công việc.
Xây dựng quy trình thu thập thông tin chuẩn mực: Các công ty thẩm định giá cần thiết lập một quy trình thu thập thông tin chi tiết và chuẩn hóa cho cả trợ lý và CTV. Quy trình này sẽ bao gồm các bước hướng dẫn từ việc sử dụng các công cụ khảo sát đến yêu cầu báo cáo đầy đủ thông tin thu thập được (bao gồm ảnh, ghi chú, chứng cứ pháp lý). Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong quá trình thẩm định giá, đồng thời giảm thiểu khả năng xảy ra gian lận.
2. Phát triển hệ thống giám sát và quản lý chất lượng công nghệ hỗ trợ giám sát:
Việc sử dụng các công cụ công nghệ sẽ giúp các công ty thẩm định giá theo dõi công việc của trợ lý/CTV một cách sát sao hơn. Các công cụ hiện đại, bản đồ quy hoạch, vệ tinh, đặc biệt là AI đang hỗ trợ lưu trữ và phân tích dữ liệu thu thập được một cách chi tiết, giúp thẩm định viên chính thức dễ dàng kiểm tra, xác minh lại thông tin và giảm thiểu sai sót.
Nhằm đảm bảo chất lượng công việc của trợ lý/CTV, các công ty thẩm định giá có thể thực hiện việc đánh giá định kỳ hiệu quả công việc của họ. Đánh giá này không chỉ dựa trên kết quả khảo sát mà còn chú trọng đến tiến độ công việc, tính chính xác của thông tin thu thập và khả năng xử lý tình huống. Việc này sẽ tạo động lực cho nhân sự duy trì chất lượng công việc ổn định, đồng thời giúp công ty phát hiện sớm những vấn đề phát sinh.
3. Tạo ra cơ chế ghi nhận, có chế độ đãi ngộ và khuyến khích hợp lý:
Dù là trợ lý toàn thời gian hay cộng tác viên bán thời gian, công ty cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý. Bên cạnh tiền công theo công việc, có thể xem xét việc cung cấp các quyền lợi nhỏ, như phụ cấp cho công tác, thưởng cho những nhân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc các hình thức đào tạo chuyên sâu miễn phí để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho cả trợ lý và cộng tác viên. Điều này sẽ là yếu tố quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài giữa công ty và nhân sự.
Về chính sách khuyến khích đạo đức nghề nghiệp, các doanh nghiệp cũng nên có chính sách khuyến khích trợ lý/CTV tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong quá trình làm việc. Những nhân sự thực hiện công việc một cách trung thực và chính xác sẽ được khen thưởng, ngược lại, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý.
4. Xây dựng văn hóa làm việc đồng bộ đảm bảo sự kết nối và phối hợp giữa nhân sự trợ lý, cộng tác viên và thẩm định viên chính thức:
Các công ty thẩm định giá cần khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ giữa thẩm định viên chính thức và nhân sự trợ lý/CTV. Việc tổ chức các buổi họp giao ban định kỳ hoặc các khóa học hỏi chuyên môn sẽ giúp nhân sự và thẩm định viên chính thức có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cải thiện khả năng làm việc nhóm và thống nhất cách thức làm việc.
Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và trách nhiệm. Dù là trợ lý toàn thời gian hay cộng tác viên bán thời gian, mỗi người đều phải nhận thức rõ về vai trò và trách nhiệm của mình trong toàn bộ quá trình thẩm định giá. Doanh nghiệp cần xây dựng một văn hóa làm việc chuyên nghiệp, nơi nhân sự có thể đóng góp ý kiến và hỗ trợ nhau trong công việc.
5. Thống nhất quy chuẩn hành nghề và cấp giấy tờ hoạt động:
Hệ thống thi cấp giấy phép hành nghề, chứng chỉ sơ cấp cho trợ lý thẩm định viên sẽ buộc các công ty thẩm định giá nghiêm túc hơn với việc đạo tạo và chuẩn hóa đầu vào, tạo uy tín nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân sự.
Trong bối cảnh thị trường thẩm định giá ngày càng chuyên nghiệp hóa, việc nâng cao chất lượng đội ngũ trợ lý và cộng tác viên không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để gia tăng năng lực cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp.
Khi lực lượng hỗ trợ được đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ hợp lý và có cơ hội phát triển nghề nghiệp toàn ngành thẩm định giá sẽ ngày càng vận hành hiệu quả, chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn.
*Trần Mạnh Kiểm, Thẩm định viên về giá của Công ty CP Thẩm định giá Thành Đô