Với vị trí địa lý đắc địa, bờ biển dài và nhiều vịnh nước sâu, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành đóng tàu.
Đơn cử, năm 2023, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng top 5 những nước có tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng năm 2021 là 0,6%. Tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm.
Theo thông tin được đăng tải trên PVN, Việt Nam có khoảng gần 120 cơ sở đóng tàu lớn nhỏ với khả năng đóng được các tàu chuyên dụng, tàu hàng có sức chở 50.000 - 60.000 tấn và hướng đến việc đóng những tàu 110.000 tấn.
Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) là một trong những doanh nghiệp đóng tàu chủ lực của Việt Nam. Đây là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Năm 2010, DQS được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý, khai thác.
DQS được đặt tại vịnh Dung Quất là vịnh nước sâu nằm ở vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải quốc tế. DQS cũng có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và đóng mới tàu hàng hải.
DQS có diện tích hơn 118 ha, trong đó, ụ khô sửa chữa tàu của công ty có kích thước dài 380m và rộng 86m. Việc này giúp DQS có khả năng tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu hàng, giàn khoan... để bảo dưỡng, sửa chữa và đóng mới.
Đến nay, DQS đã làm chủ công nghệ để đóng mới tàu đến 300.000 Dwt và sửa chữa thành công các phương tiện nổi như Giàn khoan, Kho nỗi chứa xuất dầu, Sà lan, Tàu lai dắt…
Theo thông tin từ Petrovietnam (PVN), DQS đã đảm nhận thực hiện 41 đơn hàng trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế. Trong đó, có 4 đơn hàng trong ngành và 37 đơn hàng ngoài ngành (26 đơn hàng trong nước và 11 đơn hàng nước ngoài).
Năm 2024, tuy số lượng đơn hàng ít hơn năm trước, nhưng tổng doanh thu đem lại cho DQS tăng cao so với năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2024 của DQS đã đạt hơn 1.130 tỷ đồng. Con số này đạt 142% so với kế hoạch của Petrovietnam phê duyệt và bằng 136% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên DQS đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh này, tại buổi tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024 của DQS, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, trong khối ngành dịch vụ, con số doanh thu 1.000 tỷ là con số lớn không dễ gì đạt được, nhất là với một đơn vị còn nhiều khó khăn như DQS.
Tổng số lao động toàn DQS tính đến hiện nay là 768 người, trong đó số lao động Công ty Mẹ khoảng 757 người. Tiền lương bình quân năm 2024 của DQS và NTS tăng cao hơn so với năm 2023.
Năm nay là năm đầu tiên công ty thực hiện việc tái cơ cấu, đồng nghĩa với việc nhiều hoạt động gần như bắt đầu lại từ đầu.
Về công tác sản xuất kinh doanh năm 2025, DQS dự kiến tiếp nhận và triển khai thi công sửa chữa các sản phẩm theo kế hoạch sửa chữa của Chủ tàu mà DQS đang làm việc như: Chủ tàu VSP, Fgas, Nhật Việt, PCT, Vipco, Vitaco, Vimc, Vosco, PVtrans, HTK, Hải Nam, Việt Thuận, Hải An, Tân Bình, Trường Minh, Âu Lạc, An Hải, Songa, Đức, Singapore, Hy Lạp, Đài Loan, Nitc…
Tiếp tục dự án đóng mới 4 tàu Hà lan đa năng, giàn Mumanskya; triển khai dự án hoán cải VLCC –FSO, dự án Hòa Phát giai đoạn 2. Chủ động nắm bắt kế hoạch SXKD của các đơn vị trong và ngoài ngành, cũng như nước ngoài để có những phương án phù hợp.
"Trong hành trình phát triển để trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia của Petrovietnam, DQS cũng sẽ phấn đấu trở thành một "mắt xích" quan trọng trong mục tiêu của Tập đoàn, với việc sẽ tham gia sâu vào chuỗi hoạt động dầu khí, cũng như quá trình chuyển dịch năng lượng như đóng mới, sửa chữa các tàu chuyên dụng, chế tạo các mô đun, kết cấu phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo...", Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh chia sẻ.