Mùa báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 bắt đầu bước vào cao điểm với 2 thái cực buồn, vui đan xen. Trong trạng thái không mấy vui vẻ, cổ đông một loạt doanh nghiệp đang “nơm nớp” lo sợ bị cắt “margin” do thua lỗ trong đó có không ít tên tuổi đáng chú ý.
Nỗi buồn không của riêng ai
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) mới đây đã bổ sung 2 cổ phiếu của PPC và SRF vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Đối với cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại, nguyên nhân cắt margin là do kiểm toán có ý kiến “không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần” đối với BCTC năm 2022 đã kiểm toán.
Trên báo cáo, kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ liên quan đến phần doanh thu thoái hoàn điện năng sau thời điểm phát hành báo cáo tài chính năm trước do sai số thiết bị đo đếm diễn ra từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2022 với tổng số tiền gần 162 tỷ đồng.
Theo BCTC kiểm toán năm 2022, PPC ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.278 tỷ đồng, điều chỉnh tăng xấp xỉ 162 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận sau thuế đạt 497 tỷ đồng, cũng tăng 94 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán.
Sau thông tin bị cắt margin, cổ phiếu PPC trên thị trường đã giảm kịch sàn với thanh khoản đột biến. Hiện thị giá cổ phiếu này đang dừng ở mức 14.050 đồng/cp, vẫn cao hơn 25% so với đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
Còn với cổ phiếu SRF của CTCP Searefico, nguyên nhân đưa cổ phiếu vào diện không được giao dịch ký quỹ là do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 là số âm.
BCTC hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của Searefico ghi nhận doanh thu cả năm đạt 1.186 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Dù vậy, chi phí vốn lớn hơn doanh thu khiến công ty lỗ gộp hơn 18,7 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng gấp 8,3 lần lên gần 105 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng gấp 4 cùng kỳ, đạt 160 tỷ đồng. Kết quả, Searefico lỗ ròng 141 tỷ đồng năm 2022 trong khi cùng kỳ lãi 34,3 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cho cổ đông công ty mẹ 141,3 tỷ đồng.
Khác với PPC, cổ phiếu SRF chỉ giảm nhẹ sau thông tin bị cắt margin, xuống mức 9.390 đồng/cp, chỉ bằng một nửa so với đỉnh cách đây một năm.
Trước đó, cổ phiếu SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC cũng rơi vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của HoSE. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 là con số âm.
Năm 2022, SMC ghi nhận doanh thu đạt 23.182 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm trước và là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, công ty lại lỗ ròng gần 652 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 579 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu SMC cũng đang trôi dần về vùng đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái. Cổ phiếu này hiện dừng ở mức 9.350 đồng/cp, “bốc hơi” 80% so với đỉnh đạt được hồi tháng 10/2021.
Một cái tên “đình đám” mới bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo là cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil). Nguyên nhân HNX đưa ra là “BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên”. Ngày đưa vào diện cảnh báo là 23/3/2023.
Phản hồi về văn bản trên của HNX, PV Oil cho biết “Thực tế, các Điểm kiểm toán ngoại trừ nêu trên là những vấn đề xảy ra từ trước khi PV Oil cổ phần hóa. Vì vậy, các vấn đề này đã tồn tại trên BCTC của PV Oil ngay từ khi mới chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần. Mặc dù trong thời gian qua, PV Oil đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách của nhà nước nên các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
PV Oil cũng nhấn mạnh, các điểm ngoại trừ nói trên đều không ảnh hưởng trọng yếu đến định hướng, kế hoạch phát triển và hoạt động SXKD của công ty và cũng không ảnh hưởng đến việc tồn tại cũng như giao dịch cổ phiếu OIL trên sàn UpCOM. Công ty cũng cho biết đang hướng tới mục tiêu đưa cổ phiếu OIL lên niêm yết trên HoSE.
Sau thông tin bị đưa vào diện cảnh báo, cổ phiếu OIL vẫn đứng giá tham chiếu ngày 22/3 tại mức 8.700 đồng/cp. Mức thị giá này cao hơn 40% so với đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn gần 60% so với đỉnh đạt được cách đây một năm.
Ngoài những cái tên kể trên, danh sách mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ còn có hàng loạt cái tên như HNG, ITA, TTF, DLG, VOS, OGC, LDP,… Hầu hết các cổ phiếu bị cắt margin trong quý đầu tiên của năm 2023 đều thuộc diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát do kinh doanh thua lỗ.
Lãi càng thêm lãi
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp lại đón niềm vui sau mùa kiểm toán khi có thêm lợi nhuận. Điển hình là Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGenco3 – mã PGV) cũng vừa có thêm 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán, đạt 2.550 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch sau kiểm toán chủ yếu do các thay đổi trong số liệu hoạt động tài chính, liên doanh liên kết và lợi nhuận khác.
Trong khi đó, doanh thu thuần năm 2022 của EVNGenco3 gần như không thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó, ở mức 47.287 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng 25%.
Trước đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – mã POW) với lợi nhuận sau thuế năm 2022 được điều chỉnh tăng thêm 230 tỷ đồng sau kiểm toán, đạt 2.553 tỷ đồng. So với cùng kỳ, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này tăng trưởng 24%. Nguyên nhân có sự chênh lệch trước và sau kiểm toán chủ yếu là do thay đổi về lợi nhuận của NT2.
Theo văn bản đính chính BCTC quý 4/2022, CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2) đã với điều chỉnh lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng gấp 27 lần lên 160 tỷ đồng nhờ giảm 198 tỷ đồng khoản mục trích lập dự phòng phải thu khó đòi. So với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế quý 4 tăng trưởng 32%. Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2022 đạt 883,4 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước.
Trước đó, CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn (mã BSR) đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 với giá vốn giảm từ 151.233 tỷ đồng trên BCTC tự lập xuống còn 151.027 tỷ đồng. Thay đổi này đã khiến lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng thêm 275 tỷ đồng, lên mức 14.669 tỷ đồng.
So với năm 2021, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu tăng 65% và lãi ròng tăng 119%. Công ty cho biết, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 là do khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn so với cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm tăng khoảng 580.000 tấn so với năm 2021 cũng góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất của công ty.
Thời gian tới, khi mùa kiểm toán báo cáo tài chính khép lại, rất có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều bất ngờ và không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều cổ phiếu vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát dẫn đến bị cắt margin.