Buồn của nền kinh tế số 1 thế giới: Thâm hụt thương mại 1 nghìn tỷ USD chỉ vì các nước đua nhau xuất khẩu sang Mỹ, lấy USD mua hàng giá rẻ Trung Quốc

Băng Băng | 10:49 15/01/2025

Liên minh Châu Âu thâm hụt thương mại 247 tỷ USD với Trung Quốc năm 2024, nhưng khu vực này lại có thặng dư 240 tỷ USD với Mỹ.

Buồn của nền kinh tế số 1 thế giới: Thâm hụt thương mại 1 nghìn tỷ USD chỉ vì các nước đua nhau xuất khẩu sang Mỹ, lấy USD mua hàng giá rẻ Trung Quốc

Dòng chảy thương mại

Mới đây, việc Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục gần 1 nghìn tỷ USD năm 2024 đã khiến nhiều chuyên gia chú ý, nhất là khi thâm hụt thương mại của Mỹ năm ngoái dự kiến cũng đạt khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Điều trớ trêu là chỉ 1/3 thặng dư thương mại của Trung Quốc là sang Mỹ, đồng thời chỉ 1/3 thâm hụt thương mại của Mỹ là với Trung Quốc.

Câu chuyện ở đây là khắp thế giới, từ Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh cho đến Châu Á và Châu Đại Dương đều đang phụ thuộc vào việc mua ô tô, đồ gia dụng, đồ điện tử tiêu dùng và các hàng hóa sản xuất khác từ Trung Quốc.

Để có được số ngoại tệ cần để mua những hàng hóa này từ Trung Quốc, các quốc gia khác phải bán mọi thứ từ ô tô Mercedes đến áo phông giá rẻ cho Mỹ.

Ví dụ, Liên minh Châu Âu (EU) nhập khẩu hàng hóa trị giá 2 USD từ Trung Quốc cho mỗi 1 USD hàng hóa mà họ bán cho nước này. Điều đó khiến EU thâm hụt thương mại 247 tỷ USD với Trung Quốc năm 2024 trong khi lại thặng dư tới 240 tỷ USD với Mỹ.

Đối với các nước đang phát triển, sự khác biệt thậm chí còn rõ rệt hơn, ngoại trừ một số ít các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác có thặng dư thương mại với Trung Quốc.

Các quốc gia châu Phi nhập khẩu khoảng 3 USD hàng hóa từ Trung Quốc cho mỗi 2 USD hàng hóa mà họ xuất khẩu được sang nước này. Sau đó, các nước Châu Phi chủ yếu kiếm lại ngoại tệ thông qua hoạt động thương mại với Mỹ.

Báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho thấy khối lượng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 12% năm 2024 trong khi thương mại toàn cầu chỉ tăng 3%.

"Xuất khẩu của Trung Quốc không thể tăng mạnh như vậy mà không cắt giảm sâu vào xuất khẩu của các quốc gia khác được", chuyên gia Brad Setser khẳng định, ám chỉ việc các nước thặng dư thương mại với Mỹ để kiếm nguồn ngoại tệ.

Hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc là dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, nhưng 98,9% hàng xuất khẩu của nước này vào năm 2024 là hàng hóa sản xuất, tạo nên sự thặng dư thương mại cực kỳ lớn về giá trị.

Bởi vậy các quốc gia có ít tài nguyên thiên nhiên để bán thường có sự thâm hụt thương mại đặc biệt lớn với Trung Quốc.

Ví dụ Kenya đã nhập khẩu đến 35 USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái cho mỗi 1 USD hàng hóa mà họ bán được cho thị trường này.

Vì thương mại của Kenya gần như cân bằng với Mỹ, tức là không có thặng dư để kiếm ngoại tệ bù vào nên nước này đã phải vay nợ rất nhiều để có tiền trả cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính điều này khiến Kenya hiện đang mắc nợ rất nhiều giống như nhiều nước đang phát triển khác cũng đang thâm hụt với Trung Quốc.

Tình hình này khiến chính quyền Washington lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi việc chỉ áp thuế hàng hóa từ Trung Quốc không thể làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tiến thoái lưỡng nan

Như đã nói ở trên, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường thặng dư thương mại với Mỹ để kiếm tiền trả cho thâm hụt thương mại của riêng họ với Trung Quốc.

Bởi vậy nếu Mỹ chỉ tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc thì vẫn thâm hụt thương mại từ các nước khác do công ty Mỹ nhập khẩu hàng từ các nguồn thay thế.

Tuy nhiên chính quyền Washington lại chẳng thể tăng thuế hàng loạt với nhiều quốc gia khác nhau bởi chúng có thể ảnh hưởng đến đồng minh Mỹ. Đó là chưa kể tác động của chúng đến tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp...

Dù thâm hụt thương mại trong nhiều thập kỷ đã làm suy yếu sức sản xuất của Mỹ nhưng bù lại người tiêu dùng lại được hưởng mức giá thấp, các doanh nghiệp có lợi nhuận để tái đầu tư.

Thậm chí nhiều người tiêu dùng sẽ khá ngần ngại khi phải từ bỏ mức giá rẻ chỉ để thu hẹp thâm hụt thương mại.

Một yếu tố nữa là việc Mỹ tăng thuế trong khi Trung Quốc giảm thuế sẽ khiến gây biến động về địa chính trị.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc đã cố gắng mở rộng ảnh hưởng khi thu hút các quốc gia qua sáng kiến "Một vành đai, Một con đường", tạo dựng và gắn kết lợi ích kinh tế của nhiều nước vào một khối.

Đồng thời, chính quyền Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm thiện chí và cả doanh thu từ các quốc gia Châu Âu lẫn Châu Á thông qua các chương trình du lịch miễn thị thực.

Hàng loạt những yếu tố này khiến Mỹ gặp phải vấn đề rất lớn trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại, ngăn cản dòng tiền chảy về Trung Quốc.

Tuy nhiên không chỉ Mỹ đau đầu, chính Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề của riêng mình dù thặng dư thương mại kỷ lục.

Mất cân bằng

Mặc dù Trung Quốc xuất khẩu mạnh nhưng sức mua của thị trường nội địa lại đang yếu đi sau những bất ổn từ thị trường bất động sản. Nguyên nhân chính nằm ở tỷ lệ tiết kiệm.

Các hộ gia đình ở Trung Quốc đang tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi cho hàng nhập khẩu vì họ đã mất phần lớn giá trị tài sản ròng sau khi thị trường nhà ở sụp đổ, qua đó xóa sổ nhiều của cải hơn cả Mỹ thời kỳ khủng hoảng 2008.

Trái lại, người Mỹ đang tiết kiệm rất ít và tăng cường chi tiêu, mua hàng giá rẻ từ các quốc gia khác và làm gia tăng thâm hụt thương mại.

Tại Trung Quốc, sức mua yếu khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng cường xuất khẩu nhằm tìm đường sống sót. Bên cạnh xuất khẩu ô tô, tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị điện tử thì hàng loạt sàn thương mại điện tử nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc cũng góp phần dìm ngập thế giới.

Mặc dù Trung Quốc muốn kích thích tiêu dùng trong nước nhưng điều này đòi hỏi chính phủ phải gia tăng chi tiêu công, cắt giảm thuế, qua đó dẫn đến những hệ lụy như suy giảm chi tiêu quân sự, hạ thuế chung cho cả các doanh nghiệp Mỹ vốn đang thèm khát thị trường Trung Quốc.

*Nguồn: BI, WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Buồn của nền kinh tế số 1 thế giới: Thâm hụt thương mại 1 nghìn tỷ USD chỉ vì các nước đua nhau xuất khẩu sang Mỹ, lấy USD mua hàng giá rẻ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO