Buồn của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Ngân hàng trung ương thừa nhận vẫn chìm trong 'lạm phát đình trệ', GDP chưa có cơ hội hồi phục

An Chi | 22:00 22/01/2025

Theo Bundesbank, ngân hàng trung ương Đức, nền kinh tế nước này khó có thể hồi phục với tốc độ đáng kể vào thời điểm hiện tại.

Buồn của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Ngân hàng trung ương thừa nhận vẫn chìm trong 'lạm phát đình trệ', GDP chưa có cơ hội hồi phục

Sau 2 năm sản lượng kinh tế sụt giảm và gần như không tăng trưởng trong các quý gần đây, triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn còn rất ảm đạm, Bundesbank cho biết trong một báo cáo mới công bố ngày 22/1. Ngoài ra, lạm phát tại Đức vẫn ở mức cao. 

Bundesbank cho biết, trong quý I/2025, nền kinh tế Đức khó có thể thoát khỏi tình trạng lạm phát đình trệ kéo dài, đồng thời chỉ ra sự yếu kém và bất ổn trong hoạt động sản xuất đang làm giảm chi tiêu tư nhân. 

Tháng trước, Bundesbank đã dự báo kinh tế Đức khó có thể tăng trưởng trong năm 2025. GDP nước này chỉ tăng 0,2%, trong khi năm 2026 và 2027 lần lượt là 0,8% và 0,9%.

Từng là động lực kinh tế của châu Âu, Đức chứng kiến đà tăng trưởng chậm chạp và chật vật với những thay đổi mang tính chiến lược trong ngành công nghiệp ô tô và hoá chất. Những bất ổn về chính trị khiến chính phủ sụp đổ vào năm 2024 đã làm niềm tin đầu tư và tiêu dùng sụt giảm. 

Do phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng Nga, Đức đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng tăng đột biến sau khi mâu thuẫn giữa Moscow và Kyiv xảy ra.

Ngoài ra, một số yếu tố khác khiến nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu khó có thể hồi phục bao gồm dân số già hoá, cơ sở hạ tầng xuống cấp và các thủ tục hành chính phức tạp. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng ảnh hưởng đến Đức, vì đây là thị trường chính đối với hàng xuất khẩu của Đức. 

Việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất hứa hẹn sẽ là động lực đối với Đức. Trong bối cảnh lạm phát đang tiến đến gần mức 2%, các nhà hoạch định chính sách đang có kế hoạch hạ chi phí đi vay vào tuần tới, sau 4 đợt giảm 0,25 điểm phần trăm vào năm 2024, đưa lãi suất tiền gửi lên 3%. 

Trong khi đó, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện cam kết áp thuế với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, dự báo GDP của Đức cho năm 2027 có thể thấp hơn 1,3% đến 1,4% so với ước tính cơ bản. 

Tại Đức, áp lực giá cả có khả năng vẫn ở mức cao vào đầu năm nay, theo Bundesbank. Một phần nguyên nhân là do giá năng lượng tăng mạnh, cùng với đó là sự leo thang của giá phương tiện công cộng và bảo hiểm y tế tư nhân trên toàn nước Đức.

Ngân hàng này cho hay: “Tỷ lệ lạm phát có thể sẽ giảm trở lại trong những tháng tiếp theo. Mức tăng giá rất mạnh gần đây ở lĩnh vực dịch vụ sẽ giảm, nhưng vẫn sẽ cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn.” 

Bundesbank dự báo lạm phát của Đức chỉ giảm nhẹ vào năm tới, từ mức trung bình hàng năm là 2,5% xuống 2,4%. Nguyên nhân là do giá thực phẩm tăng mạnh tạm thời. Từ năm 2026 trở đi, Bundesbank dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ "dần dần trở lại" mức 2%.

Tham khảo Euronews


(0) Bình luận
Buồn của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới: Ngân hàng trung ương thừa nhận vẫn chìm trong 'lạm phát đình trệ', GDP chưa có cơ hội hồi phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO