Việc thắt chặt chính sách sẽ nhấn mạnh quyết tâm của ngân hàng trung ương Nhật Bản trong việc tăng lãi suất từ mức 0,25% lên gần 1%. Các nhà kinh tế cho rằng mức lãi suất này sẽ không kìm hãm hay thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản. Động thái này sẽ nâng chi phí vay ngắn hạn lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nếu BOJ tăng lãi suất, đây sẽ là động thái thắt chặt tiếp theo kể từ tháng 7 năm ngoái. Thời điểm đó, việc tăng lãi suất kết hợp với dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ đã gây ra hỗn loạn trên thị trường toàn cầu vào đầu tháng 8.
Để tránh tái diễn tình trạng tương tự, BOJ đã chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc Thống đốc Kazuo Ueda và cấp phó phát đi những tín hiệu rõ ràng về việc tăng lãi suất. Thị trường dự đoán 80% khả năng BOJ tăng lãi suất.
Khi đã gần như chắc chắn ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, thị trường hướng sự chú ý về cuộc họp báo của Thống đốc Thống đốc Kazuo Ueda sau cuộc họp. Họ muốn tìm thêm manh mối về thời điểm và tốc độ tăng lãi suất.
Khi lạm phát đã vượt mục tiêu 2% của BOJ trong gần 3 năm và đồng yên yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng cao, ông Ueda có thể sẽ gây áp lực lên quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc tiếp tục tăng lãi suất.
Nhưng có lý do chính đáng để họ thận trọng. Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2025, các chính sách của ông Trump có nguy cơ làm mất ổn định thị trường và gây ra bất ổn về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đồng yên Nhật Bản cũng là một vấn đề quan trọng. Trước những phát biểu của quan chức BOJ về khả năng tăng lãi suất, đồng yên phục hồi mạnh. Hiện đồng yên Nhật giao dịch ở mức chưa đến 156 yên đổi 1 USD. Nếu BOJ thực sự tăng lãi suất, điều này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản, giúp đồng yên tăng giá trở lại.
Theo Reuters