Sáng 21/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ điểm cầu Bình Phước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đã nêu vấn đề về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực của nước ta hiện nay chưa thực hiện hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết: Ông có về Bù Đăng, Bình Phước, đứng tại một vườn cây điều nhìn sang bên kia vườn thấy bà con đang đốn cây điều để trồng sầu riêng. "Tôi có hỏi, Bình Phước là thủ phủ, là vương quốc của cây điều, lỡ nào bà con lại bỏ thứ cây mà gắn bó bao đời ở vùng Bình Phước. Bà con đã nói: Trồng sầu riêng thu 1 tỷ đồng/ha, còn trồng điều chỉ thu khoảng 35 -40 triệu đồng/ha, ông thấy chúng tôi nên như thế nào. Đây là câu trả lời rất đắng lòng. Có những vấn đề từ thực tiễn khiến cho cá nhân tôi suy nghĩ rất nhiều", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định chủ trương mở cửa thị trường nhất quán để tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng tới được người tiêu dùng; thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước.
Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. "Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ là vấn đề của thị trường, nếu hàng hóa của chúng ta không đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Phải ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bà con nông dân, cần phải có các công cụ kinh tế khác. "Ở Bình Phước có liên quan đến 2 câu chuyện về cây điều, chúng tôi đã tổ chức mô hình khuyến nông để trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều. Như vậy, trong vườn điều có đa tầng giá trị cây trồng và nấm linh chi đỏ có thể đem lại giá trị kinh tế rất cao", Bộ trưởng Hoan nói.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều. Đồng thời cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.
Trong thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng. "Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có Hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu".
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh… Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hiện chúng ta đã mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… Vì chúng ta hiện đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
"Để đưa sầu riêng trở thành một sản phẩm quốc gia thì phải có một thiết chế quốc gia để điều chỉnh chính sách chung cho sầu riêng, cho người nông dân, doanh nghiệp về khoa học công nghệ, về đầu tư hạ tầng nếu chúng ta muốn đi xa, bởi vì chúng ta là người đi sau một số quốc gia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc như Thái Lan", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.