‘Bộ trưởng’ Elon Musk trở thành doanh nhân quyền lực nhất thế giới, được so sánh với nhà ngoại giao huyền thoại của Mỹ

Băng Băng | 09:09 13/11/2024

Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang có tầm ảnh hưởng lớn chưa từng thấy.

‘Bộ trưởng’ Elon Musk trở thành doanh nhân quyền lực nhất thế giới, được so sánh với nhà ngoại giao huyền thoại của Mỹ

Mới đây, tờ Fortune đã bình chọn Elon Musk là doanh nhân quyền lực nhất thế giới, đứng trên cả CEO Jensen Huang của Nvidia, CEO Satya Nadella của Microsoft hay CEO Tim Cook của Apple.

Quan điểm này không chỉ đứng trên việc Elon Musk đang là người giàu nhất thế giới hay hàng loạt công ty tên tuổi mà tỷ phú này nắm giữ như SpaceX, Tesla, mà còn dựa trên mối quan hệ với ông Donald Trump.

Đồng quan điểm, hãng tin CNBC nhận định mối quan hệ của Elon Musk với Nhà Trắng có khả năng sẽ giúp làm dịu lập trường của ông Donald Trump với Trung Quốc.

Theo nhiều dự đoán, với vị thế là tỷ phú tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, nhiều khả năng Elon Musk có thể đảm nhiệm vai trò cố vấn hay tham gia nội các.

Thậm chí chính Elon Musk đã đề nghị thành lập "Bộ hiệu quả của chính phủ" (DOGE) nhằm tăng cường hiệu suất của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên hãng tin CNBC nhận định Elon Musk còn có thể trở thành cầu nối làm dịu quan hệ Mỹ-Trung như nhà ngoại giao nổi tiếng Henry Kissinger từng làm.

Cầu nối

Trước khi kết quả bầu cử được công bố, mối quan hệ của Elon Musk với ông Donald Trump đã được chính quyền Bắc Kinh chú ý do Tesla có nhà máy tại Thượng Hải và CEO này cũng từng nhiều lần đến thăm Trung Quốc với sự thiện chí.

"Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã chú ý về việc liệu Musk có thể là Kissinger mới hay không, qua đó giúp làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh", cố vấn cấp cao Scott Kennedy, đồng thời là Chủ tịch Ủy thác về Kinh doanh- Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.

Nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger đã qua đời vào năm ngoái, được ghi nhận là một trong những người góp sức bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ-Trung. Ông đã có chuyến thăm đầu tiên của tới Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1971. Ông từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và sau đó kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.

Chính vì những công lao này mà Kissinger khá được tôn trọng ở Trung Quốc, đồng thời liên tục gặp gỡ các lãnh đạo Bắc Kinh với tư cách là một nhà ngoại giao không chính thức trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước.

Chỉ vài tháng trước khi Kissinger qua đời vào tháng 11/2023, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 7/2023.

Bởi vậy theo CNBC, nhiều chuyên gia kỳ vọng Elon Musk có thể lấp vào khoảng trống mà Kisinger để lại nhờ mối quan hệ với cả lãnh đạo Trung Quốc cũng như các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Xin được nhắc lại rằng Tesla là nhà sản xuất ô tô hoàn toàn do nước ngoài sở hữu đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2018, qua đó cho thấy tầm quan hệ của Elon Musk tại đây.

Trong chuyến thăm gần đây nhất vào tháng 4, vị CEO Tesla này đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người đã công nhận Tesla là một ví dụ về hợp tác thương mại thành công giữa Bắc Kinh và Washington.

Giám đốc viện quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin University, ông Wang Yiwei nói với CNBC rằng Musk được coi là một doanh nhân hiểu cả Trung Quốc và Mỹ.

Điều này có thể giúp Elon Musk tác động lên các chính sách bảo hộ hay hàng rào thuế quan nghiêm ngặt mà ông Donald Trump từng đe dọa sẽ áp lên các sản phẩm Trung Quốc.

Thậm chí giám đốc Wang còn kỳ vọng Elon Musk có thể tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng tại Mỹ.

Nhà ngoại giao Elon Musk?

Ở một khía cạnh khác, nhà sáng lập Wang Huiyao của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) nhận định một mình Elon Musk có thể chưa đủ sức ảnh hưởng theo cách mà Kissinger từng làm.

Thay vào đó, một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nổi tiếng như Elon Musk, Tim Cook của Apple và Stephen Schwarzman của Blackstone Group... có thể được đề bạt với vai trò lấp chỗ trống cho Kissinger.

Theo Huiyao, mặc dù nhóm này có thể không đạt được các tác động tương tự như Kissinger do tình hình hiện nay phức tạp hơn nhưng có thể giúp ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Bản thân Tim Cook và Stephen Schwarzman cũng thường xuyên đến thăm các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc, đồng thời cũng thường xuyên được Bắc Kinh ghi nhận là ví dụ cho quan hệ kinh doanh-thương mại tích cực giữa 2 nước.

Mặc dù vậy, một số người vẫn nghi ngờ về vai trò và ảnh hưởng của Elon Musk khi ông là một doanh nhân.

Giám đốc điều hành Dewardric McNeal của Longview Global nhận định những doanh nhân như Elon Musk có nghĩa vụ chính với cổ đông chứ không phải lợi ích quốc gia và sự tham gia chính trị này có thể dẫn đến xung đột lợi ích.

Tệ hơn trong trường hợp ngoại giao thất bại, các doanh nhân này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, gây tổn hại cho doanh nghiệp.

*Nguồn: CNBC

Bài liên quan

(0) Bình luận
‘Bộ trưởng’ Elon Musk trở thành doanh nhân quyền lực nhất thế giới, được so sánh với nhà ngoại giao huyền thoại của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO