'Bộ trưởng' Elon Musk có thể thành công nhất lịch sử nước Mỹ, vượt xa mọi người tiền nhiệm

Băng Băng | 10:32 16/11/2024

Công cuộc cải tổ bộ máy chính phủ Mỹ của Elon Musk được đánh giá là có thể thành công hơn so với những người tiền nhiệm vì 2 yếu tố chính.

'Bộ trưởng' Elon Musk có thể thành công nhất lịch sử nước Mỹ, vượt xa mọi người tiền nhiệm

Tờ Business Insider (BI) nhận định Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) do Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo có thể thành công hơn so với những nỗ lực tương tự trước đây dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống Bill Clinton.

Nhận định này được đưa ra dựa trên 2 yếu tố chính: Lợi thế về thu thập thông tin và sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa ở Nghị viện.

Đồng quan điểm, CEO Cathie Woods của ARK Invest cho rằng Elon Musk sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò mới nhờ những doanh nghiệp mà chính vị tỷ phú này triển khai.

Khi doanh nhân làm "Bộ trưởng"

"Tôi nghĩ rằng Elon Musk sẽ đem lại sự hiệu quả cho chính phủ", CEO Woods thừa nhận với tờ Fortune.

Theo bà Woods, sự hiểu biết sâu rộng của Elon Musk trong mảng công nghệ cùng khả năng thu thập thông tin và hỗ trợ của các công ty như Tesla, SpaceX hay xAI sẽ giúp vị tỷ phú này có được lợi thế cực kỳ lớn trong công cuộc cải tổ bộ máy chính phủ.

"Trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) sẽ là trung tâm của mọi thứ và nguồn tài nguyên thông tin hiện đang là xu thế chính. Bởi vậy với việc thu thập được nhiều dữ liệu từ các công ty của mình hơn các CEO khác đang đem lại lợi thế cho Elon Musk", bà Woods nhấn mạnh.

Trước đây ông chủ Tesla từng nhấn mạnh nguồn dữ liệu là thứ tài sản còn quý giá hơn cả vàng và đây là lý do tại sao Tesla, SpaceX hay xAi lại chú trọng đến dữ liệu người dùng và khách hàng đến vậy.

Xin được nhắc lại rằng SpaceX của Elon Musk triển khai hệ thống Internet vệ tinh Starlink có thể cung cấp Internet cho toàn thế giới trong khi Tesla là hãng xe điện nổi tiếng đang phát triển dịch vụ tự lái, qua đó thu thập thông tin khách hàng để cá nhân hóa tính năng. Đó là chưa kể đến xAI bao gồm Twitter-X với hàng trăm triệu người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin.

Chính những lợi thế về công nghệ và nguồn thông tin này có thể giúp Elon Musk trở thành "Bộ trưởng" thành công hơn những người khác trong lĩnh vực tinh gọn bộ máy chính phủ.

Ngoài ra, CEO Woods còn cho rằng tinh thần khởi nghiệp và khả năng xây dựng hàng loạt công ty "không tưởng" của Elon Musk sẽ giúp vị "Bộ trưởng" này hoàn thành được mục tiêu mà nhiều người cho là khó khăn.

"Chúng ta từng nghi ngờ Elon Musk trong nhiều năm và với rất nhiều dự án, nhưng rồi ông ấy lần lượt xây dựng thành công hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác", bà Woods thán phục.

Cũng theo CEO Woods, tỷ phú Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy sẽ dùng các công nghệ tiên tiến cùng tư duy của doanh nhân để tác động vào các khoản chi tiêu công của chính phủ, một điều mà chưa chính trị gia nào thực hiện trước đây, qua đó tạo nên những chuyển biến tích cực.

Tất nhiên ngoài lợi thế về công nghệ, thông tin và tinh thần khởi nghiệp thì sự hậu thuẫn từ Đảng Cộng hòa cũng là một yếu tố không thể thiếu khiến Elon Musk có thể thành công hơn so với những người tiền nhiệm.

Thành công hơn

Tờ BI cho hay việc Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện trong cuộc bầu cử lần này là một lợi thế lớn có thể giúp Elon Musk thành công hơn so với những người tiền nhiệm muốn tinh gọn bộ máy và cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Về lý thuyết, bất kỳ quyết định cắt giảm chi tiêu ngân sách đầy tham vọng nào, bao gồm cam kết cắt giảm 2 nghìn tỷ USD của Elon Musk, cũng cần 51 phiếu bầu tại Thượng viện. Trong khi đó Đảng Cộng hòa đang nắm giữ 52 ghế, qua đó giúp "Bộ trưởng" Elon Musk dễ dàng thông qua được nhiều chính sách.

Đây là lợi thế vô cùng lớn bởi chính phủ Mỹ không phải là một doanh nghiệp. Việc quyết định cơ quan nào nhận được bao nhiêu tiền cho mục đích gì thường được đưa ra thảo luận tại Nghị viện chứ không phải nằm hết trong tay Tổng thống.

Chính điều này đã khiến Tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton từng phải vật lộn để cắt giảm thâm hụt ngân sách nhưng bất thành.

Năm 1982, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan đã giao nhiệm vụ cho J. Peter Grace, một giám đốc điều hành công ty hóa chất, thành lập một nhóm tương tự Bộ DOGE của Elon Musk hiện nay nhằm thanh lọc chính phủ, cắt giảm lãng phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Sau đó 2 năm, một nhóm khoảng 160 CEO được tập hợp dưới cái tên "Ủy ban Grace Comission" đã công bố hơn 2.000 khuyến nghị mà nhóm này nhận định sẽ tiết kiệm được hơn 424 tỷ USD ngân sách trong 3 năm.

Tuy nhiên đề án này không được Nghị viện đánh giá cao khi các cải cách như tăng cường thu nợ công và giảm biên chế nhân sự bị phản đối.

Sau đó Tổ chức phi lợi nhuận Citizens Against Government Waste, đơn vị tiếp tục sứ mệnh của Grace Commission, cho biết chính phủ Mỹ đã cắt giảm chi tiêu tổng cộng 2,4 nghìn tỷ USD kể từ thập niên 1980 đến nay bằng cách thực hiện một số khuyến nghị từ Grace Commission và từ chính tổ chức phi lợi nhuận này.

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Nhà Trắng cũng đã nỗ lực để cắt giảm chi tiêu liên bang thông qua chương trình đánh giá hiệu suất. Sáng kiến này đã thành công trong việc cắt giảm hơn 300.000 công chức nhà nước.

Mặc dù vậy, chỉ ¼ trong số các đề nghị của sáng kiến này được Nghị viện Mỹ thông qua, khiến nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và tinh gọn bộ máy không hoàn toàn thành công.

Đến năm 1999, chính quyền của Tổng thống Clinton tuyên bố họ đã tiết kiệm được 137 tỷ USD.

Theo BI, nỗ lực của Elon Musk dưới thời ông Donald Trump có thể tiến xa hơn nữa với kế hoạch tham vọng hơn nhiều nhờ Đảng Cộng hòa thắng thế ở nghị viện.

Ông Donald Trump cho biết Bộ DOGE có thời hạn đến ngày 4/7/2026 để đưa ra kế hoạch nhưng Elon Musk trên một bài đăng Twitter-X nói rằng kế hoạch "sẽ được thực hiện nhanh hơn nhiều".

*Nguồn: BI, Fortune

Bài liên quan

(0) Bình luận
'Bộ trưởng' Elon Musk có thể thành công nhất lịch sử nước Mỹ, vượt xa mọi người tiền nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO