Sáng 21/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐQQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó tiền điện sinh hoạt tính theo 6 bậc thang hiện nay chưa phù hợp thực tế tiêu dùng của người dân và mức sử dụng bậc 1 (0-50 kWh) là quá thấp.
Do đó, ông Hòa yêu cầu Bộ Công Thương có giải pháp sửa biểu giá điện thế nào để phù hợp hơn như việc có thể xem xét miễn thuế VAT 10% với hóa đơn tiền điện, để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo hay không.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến, nhiều quốc gia sử dụng, bởi khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng, biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc. Tuy nhiên, biểu giá này bộc lộ bất cập nên thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, sửa đổi.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28. Trong đó, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay để hỗ trợ người nghèo. Còn cao nhất (bậc 5) từ 701 kWh trở lên.
Ngoài rút gọn số bậc thang, ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Giá cho nhóm khách hàng (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) cũng được điều chỉnh.
"Việc này nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý, bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng Công Thương nói.
Cần xóa bỏ triệt để việc bù chéo trong cơ chế tính giá điện
Mới đây, góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) kiến nghị cần xem xét xóa bỏ triệt để việc bù chéo giá điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA), Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cơ chế “bù chéo” trong giá điện (gồm: Bù chéo giữa các hộ khách hàng tiêu dùng điện cho sinh hoạt với nhau; Bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt và giá điện bán cho các ngành sản xuất; Bù chéo giá điện giữa các vùng miền) đã để tồn tại với một thời gian quá dài, thiếu lộ trình quy định thời gian cụ thể phải giảm và tiến tới xóa bỏ bù chéo trong giá, nên đã gây ra nhiều bất cập.
Theo Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa, chính sách giá điện đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW như: “Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, “Minh bạch giá mua bán điện”; “Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”…
Do đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), theo ông Thỏa, để Luật hóa các quan điểm chỉ đạo về giá của Nghị quyết số 55-NQ/TW có một số nội dung liên quan đến cơ chế bù chéo giá điện cần được xem xét, sửa đổi, cập nhật cho phù hợp dựa trên nguyên tắc định giá là quan trọng nhất khi Luật hóa chính sách giá điện.
Về cơ chế bù chéo giá điện, Chủ tịch VVA kiến nghị xem xét bãi bỏ hoặc thay thế các nội dung sau trong dự thảo về chính sách giá điện.
Cụ thể, với quy định “i) Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng… Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện”, ông Thỏa kiến nghị bãi bỏ nội dung này vì 2 lý do.
Thứ nhất, quy định giá điện còn bù chéo là không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW là “Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”.
Thứ hai, quy định giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo … phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Đây là quy định không rõ ràng bởi không biết thị trường phát triển đến cấp độ nào thì xóa bù chéo.
Đối với quy định “ii) Áp dụng cơ chế giá bán điện phù hợp với đối với nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao”.
Ông Thỏa đánh giá, đây là quy định sẽ là tiền đề để quay lại cơ chế bù chéo; do đó đề nghị phải thay cơ chế này theo hướng áp dụng cơ chế một giá điện cho sản xuất, cho các ngành và cho sinh hoạt phản ánh chi phí của cấp điện áp tiêu thụ.