Lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp thì việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…
Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trảch nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Tăng cường giám sát việc phát hành trái phiếu
Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán.
Những sự việc vừa qua cũng cho thấy, một số doanh nghiệp đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.
Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.
Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác, kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đúng các quy định về: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan; Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán; kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề; Thực hiện nghiêm, đúng quy định quy trình kiểm toán; xác định rõ nội dung, trách nhiệm của kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán...