Áp thuế hàng hóa đã có trong danh mục
Vừa qua, góp ý dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, một số bộ ngành và doanh nghiệp bày tỏ quan điểm cho rằng chưa cần thiết và chưa phù hợp khi đưa thuốc lá điện tử vào danh mục áp thuế nhập khẩu 50%.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị không quy định các mặt hàng thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo Bộ Y tế, Bộ này đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ không cho phép mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam vì những hệ luỵ với sức khoẻ, xã hội, môi trường, tác động tiêu cực tới người sử dụng, đặc biệt trẻ em, thanh thiếu niên.
Hiện các sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, theo Bộ Y tế, việc đưa vào quy định chưa có cơ sở pháp lý cũng như chưa xác định rõ khái niệm sản phẩm.
Cùng quan điểm, Bộ Công an cho rằng hiện chưa có chính sách nhập khẩu với các mặt hàng này nên quy định thuế suất là chưa phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, Công ty JTI, thuộc Tập đoàn Japan Tobacco trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá quốc tế, kiến nghị không áp dụng mức thuế 50% mà giữ nguyên thuế suất 0% như hiện tại. Lý do được doanh nghiệp này nêu là thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có tiềm năng giảm thiểu tác hại so với thuốc lá truyền thống.
Một doanh nghiệp khác trong ngành, Công ty British American Tobacco (Singapore), cũng cho rằng mức thuế 50% là chưa phù hợp thông lệ quốc tế, việc đánh thuế cao trên thiết bị điện tử sẽ thúc đẩy buôn lậu. Công ty này kiến nghị Bộ Tài chính chưa nên áp đặt mức thuế cao cho đến khi có định hướng rõ ràng về mặt chính sách.
Phản hồi các ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết quy định thuế suất như trên là cần thiết và phù hợp, được các thành viên Chính phủ đồng thuận. Cùng đó, Bộ này lập luận việc hàng hoá có được phép lưu hành, xuất nhập khẩu trên thị trường hay không sẽ theo phép luật quản lý chuyên ngành. Còn với hàng hoá đã có mã trong Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thì phải quy định về thuế suất để áp dụng trong trường hợp được phép lưu hành.
Không ảnh hưởng đến cam kết WTO
Về phóa Bộ Công Thương, Bộ này lưu ý thiết bị sử dụng cho thuốc lá điện tử sẽ quản lý theo quy định hiện hành về thiết bị điện tử. Tuy nhiên, các mặt hàng này theo cam kết trong WTO tại thời điểm gia nhập có mức thuế 5%.
Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát lại quy định để đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. Trường hợp giữ nguyên như đề xuất trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cần chuẩn bị luận điểm khi có nước yêu cầu tham vấn.
Phản hồi kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết mặt hàng thuốc lá điện tử (dung dịch và thiết bị) mới được quy định, thời điểm xây dựng cam kết WTO chưa có. Tuy nhiên, khi xây dựng Nghị định 26 năm 2023 về thuế suất MFN (thuế nhập khẩu Việt Nam áp dụng cho hàng hoá từ các nước thành viên WTO và phải tuân thủ cam kết WTO của Việt Nam) đối với thuốc lá điện tử, Chính phủ đã thống nhất mức thuế suất MFN là 50%. Điều này để đảm bảo quản lý tương tự các mặt hàng thuốc lá truyền thống khác, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực khi được lưu hành.
Ngoài ra, mặt hàng này chưa được phép lưu hành nên việc quy định mức thuế như trên trước mắt không tác động đến ngân sách Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, không ảnh hưởng đến cam kết WTO, theo Bộ Tài chính.
Thuốc lá điện tử gồm 2 bộ phận chính là dung dịch (chứa nicotin hoặc nguyên liệu thay thế lá thuốc lá) và phần thiết bị dùng để đốt cháy, tạo khói. Hiện nay, thị trường có hai dạng thuốc lá điện tử gồm thiết bị điện tử gắn liền với dung dịch hoá hơi; và thiết bị điện tử, dung dịch hoá hơi tách rời. Dạng thứ nhất đã bị áp thuế MFN là 50%, dạng thứ hai chỉ mới áp thuế 50% với dung dịch hoá hơi.
Trước đó, khi xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng cho biết, thuốc lá là mặt hàng nhạy cảm cao và thuộc diện quản lý chuyên biệt nên từ khi gia nhập WTO cũng như quá trình đàm phán các hiệp định FTA, quan điểm của Việt Nam là giữ mức cam kết thuế tối đa. Do đó, Việt Nam không cắt giảm thuế suất nhập khẩu, hoặc nếu phải giảm, sẽ kéo dài thời gian cắt giảm nhất có thể. Nguyên nhân đây là mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cần hạn chế.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Gần đây, sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đã làm thay đổi cục diện của thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các mặt hàng này trong nước hiện nay đa phần là nhập lậu.