Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM vừa có kiến nghị điều chỉnh giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.
Đề xuất này suốt thời gian qua cũng được các chuyên gia nhắc tới nhiều lần, khi cho rằng cách điều chỉnh giảm trừ gia cảnh hiện nay vẫn chưa hợp lý.
Phản hồi đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất thì mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.
Bộ dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó Bộ Tài chính khẳng định theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Bộ Tài chính cho biết thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế này có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng nhiều nhu cầu chi đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Hiện, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng và cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng tháng. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và phụ thuộc là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế.
Bộ Tài chính nhận định, giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân đầu người một giai đoạn nhất định.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của Việt Nam năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu và nhóm hộ thu nhập cao nhất (50% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng mỗi tháng một người.
Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay, theo lập luận của Bộ Tài chính là 11 triệu đồng, đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần, đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ với người phụ thuộc, theo cơ quan này, cũng gần với thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Bộ Tài chính cho biết đang rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Dự kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ được đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.
Cần sớm có điều chỉnh phù hợp
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng, trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chiếm khoảng 70%, tương đương 108.228 tỷ đồng.
Mặc dù có giảm so với mức 166.733 tỷ đồng của năm 2022 nhưng tổng số thu thuế TNCN của năm 2023 vẫn ở mức cao.
Mức thu của năm 2023 tăng gấp 3,3 lần nếu so với số thu năm 2013 (46.458 tỷ đồng), thời điểm mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng.
Trên thực tế, vấn đề về mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN luôn là vấn đề được người dân quan tâm trong những năm qua.
Hiện tại, những người có mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần tiếp tục nâng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ với người phụ thuộc lên cho phù hợp với bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, cách tính thuế TNCN hiện nay có phần “lạc hậu”, không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát,… Hệ quả của việc cách tính thuế TNCN không theo kịp chi phí sinh hoạt trong khi thu nhập của nhiều người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khiến nhiều người phải thắt chặt chi tiêu, từ đó cầu tiêu dùng ảm đạm, ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, thông tin với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, nhất là khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 – 30% từ sau dịch Covid-19 thì mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay lại là thấp. Thậm chí, ông Phớc cho rằng, mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị là không đủ sống.
Dưới góc độ người nộp thuế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, một chuyên gia thuế cho rằng từ năm 2017, Bộ Tài chính đã thừa nhận một số quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc là quá nhiều, khoảng cách giữa bậc 1 và 2 quá dày khiến tăng số thuế phải nộp.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tú, mức thu nhập vãng lai phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là từ 2 triệu đồng được quy định từ năm 2013 đã quá lạc hậu, khiến lượng cá nhân phải quyết toán và yêu cầu hoàn thuế tăng cao...
Về tính cần thiết của việc cần sớm sửa Luật Thuế TNCN, Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, kiến nghị cần phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà... phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, theo ông Đức, mức thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống mức rất thấp để nhiều người nộp thuế nhưng với mức thuế chỉ 1 - 2%. Ngoài ra, cần giảm bậc thuế xuống còn 5 với thuế suất của bậc cao nhất là 20%.
"Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Đức nói.