Bộ Giao thông Vận tải: Mỗi tháng cần phải giải ngân gần 8.000 tỷ đồng

Lê Hà | 07:36 01/02/2023

Với khối lượng vốn kỷ lục được giao cho năm 2023 là 94.161 tỷ đồng, Bộ GTVT cần phải giải ngân mỗi tháng gần 8.000 tỷ đồng, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023.

Bộ Giao thông Vận tải: Mỗi tháng cần phải giải ngân gần 8.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023

Tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023 ngày 31/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết, tháng 1/2023 Bộ GTVT đã phân khai chi tiết gần hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dù khối lượng giải ngân còn khiêm tốn (mới đạt 1.700 tỷ đồng, chiếm 1,81%), song “việc Bộ GTVT chủ động phân khai sớm sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có cơ sở tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm”.

Xác định việc “tiêu” số vốn kỷ lục là rất khó với khối lượng giải ngân hàng tháng gần 8.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng, kết quả giải ngân muốn đạt được cao nhất, các đơn vị không còn cách nào khác là phải tập trung dồn lực ngay từ đầu.

“Giải ngân vốn đầu tư công được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư/Ban QLDA phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Bước vào năm 2023, ngành Giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ đã dành 6 ngày liên tiếp dịp đầu Xuân (từ ngày 4 - 10/1 âm lịch) để thăm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

“Tại chuyến đi này, cách thức chỉ đạo, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Đây xem như một niềm vui lớn đầu năm mới, giúp ngành GTVT có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực”, Bộ trưởng nói, song, cũng lưu ý, việc đầu tư hạ tầng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm.

Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vừa thi công, vừa thực hiện quy trình thủ tục đối với các mỏ xin cấp phép khai thác mới.

“Giai đoạn đầu thi công, việc xin cấp phép khai thác mỏ mới phải chờ hoàn thiện thủ tục, các nhà thầu cần tận dụng tối đa các mỏ vật liệu đã được cấp phép khai thác, phối hợp với chủ đầu tư làm việc với các địa phương để ổn định trữ lượng, giá cả hợp lý, tạo thuận lợi để bứt tốc sản lượng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ban QLDA liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; Đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành,…

Cũng tại cuộc họp giao ban, Tư lệnh ngành GTVT đánh giá về tình hình kiểm soát TNGT, thời điểm đầu năm, hoạt động vận tải trên cả nước diễn biến sôi động với sản lượng vận tải, đặc biệt là vận tải khách tăng rất cao. Điều đáng mừng là trong bối cảnh đó, TNGT vẫn được kéo giảm sâu trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2022.

“Cần phải nói thêm, tháng 1/2023 rơi vào đúng dịp Tết Nguyên đán, khác hẳn với tháng 1/2022 nhưng số vụ, số người chết, số người bị thương vẫn được kiểm soát, giảm sâu. Đây là sự chuyển biến rất lớn và rất tích cực”, Bộ trưởng nhận định.

Vui mừng trước kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ: TNGT muốn kéo giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cốt lõi vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước.

Thời gian tới, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong giám sát thực hiện quy định của các phương tiện, doanh nghiệp vận tải cần phải được tăng cường.

“Quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên phương tiện vận tải đã được triển khai, thời gian tới phải siết chặt việc thực hiện, tận dụng tối đa các công cụ này để quản lý vấn đề an toàn trên hành trình di chuyển, đặc biệt là quản lý thời gian điều khiển phương tiện của lái xe”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, muốn quy định thời gian hoạt động của lái xe được thực hiện nghiêm, việc đầu tư trạm dừng nghỉ cũng rất quan trọng.

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phải đẩy nhanh nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư hạng mục công trình này, không để tình trạng có đường cao tốc nhưng không có trạm dừng nghỉ, ảnh hưởng đến ATGT trên tuyến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ Giao thông Vận tải: Mỗi tháng cần phải giải ngân gần 8.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO