Bộ Công thương tiếp tục xin ý kiến về chủ trương chuyển đổi dự án Nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG

Đinh Tịnh | 10:12 27/05/2024

Mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Bộ Công thương tiếp tục xin ý kiến về chủ trương chuyển đổi dự án Nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG
Ảnh minh hoạ

Tham gia góp ý về việc này, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an cho rằng: Chủ trương chuyển đổi điện than sang các nguồn năng lượng xanh, sạch (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện khí LNG,...) là xu thế tất yếu hiện nay, phù hợp với cam kết của Chính phủ, từng bước thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Bên cạnh đó, sản lượng điện Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu, nhất là khu vực miền Bắc. Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá cụ thể những ưu thế của dự án, tận dụng được cơ sở hạ tầng đã được chủ đầu tư và địa phương thực hiện (đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho thuê đất thực hiện dự án).

"Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương đã thẩm định thiết kế cơ sở; đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phần nhiệt điện than trước đây, được Quỹ đầu tư Actis - Vương Quốc Anh cam kết hỗ trợ thu xếp tài chính; BP (Anh) hỗ trợ phát triển giải pháp tiếp nhận LNG và cung cấp LNG cho dự án; GE (Mỹ) cung cấp thiết bị phát điện LNG chính bao gồm tua bin khí, tua bin hơi nước, máy phát điện và lò thu hồi nhiệt cho dự án,...) tránh làm lãng phí nguồn lực để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG của Dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh theo đúng quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quy hoạch điện VIII đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo", Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an nêu.

UBND tỉnh Thanh Hóa lần thứ 2 đề nghị Bộ Công thương chuyển Nhà máy nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các Công văn số 19346/UBND-CN ngày 21/12/2023 và tiếp tục có Công văn số 1526/UBND-CN ngày 31/01/2024 đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thống nhất cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500MW và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững của Bộ Chính trị, Chính phủ và đã có Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 04/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất nhà máy 1.500MW. 

Nếu sớm được chuyển đổi nhà máy điện khí Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600MW lên 1.500MW. Sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Thời gian vận hành thương mại chuyển từ giai đoạn 2021-2025 sang năm 2028. Giải toả những áp lực, khó khăn về nguồn cung cấp điện khu vực phía Bắc.

EVN nói gì về dự án điện khí LNG Công Thanh?

Trước đó, liên quan đến việc chuyển đổi nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ý kiến như sau:

Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Công Thanh có công suất 600 MW, sử dụng than nhập khẩu để phát điện do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư và đưa vào vận hành năm 2020.

Phía Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư dự án nhiệt điện Công Thanh đã đàm phán hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT- BCT và căn cứ ý kiến của Cục Điều tiết điện lực, ngày 27/02/2020 các bên đã ký kết Hợp đồng mua bán điện NMNĐ Công Thanh số 02/2020/HD-NMD-CT, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo tính toán cân đối cung cầu điện đến năm 2030 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, việc đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Bắc trong giai đoạn 2026-2030 gặp nhiều khó khăn khi các nguồn điện không vào vận hành theo tiến độ tại quy hoạch. Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư Dự án NMNĐ Công Thanh cần tiếp tục triển khai để đưa Dự án vào vận hành đúng theo tiến độ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII.

"Việc có chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG hay không đối với Dự án NMNĐ Công Thanh sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và nên có quyết định sớm để có hướng triển khai đồng bộ dự án, đáp ứng tiến độ yêu cầu cung cấp điện cho hệ thống điện. Trường hợp chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn các bên các vấn đề pháp lý liên quan đến Hợp đồng mua bán điện NMNĐ Công Thanh sử dụng than nhập khẩu đã ký", ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.

"Nguồn lực" Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có gì?

Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và san lấp mặt bằng cho khu vực Nhà máy chính của dự án.

Ngoài ra, Tập đoàn Công Thanh đã xây dựng và đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng chuyên dùng riêng sẵn sàng đáp ứng cho Nhà máy điện khí LNG Công Thanh. Đặc biệt, đơn vị này đã có hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Về các thủ tục đầu tư khác, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất các hồ sơ cho dự án như: được Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cho thuê đất thực hiện dự án; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở...

Hiện LNG Công Thanh đã tìm được liên danh nhà đầu tư nước ngoài uy tín, thu xếp đủ nguồn vốn, máy móc, nhân sự và sẵn sàng triển khai thi công ngay nếu được Bộ Công thương chấp nhận phê duyệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ Công thương tiếp tục xin ý kiến về chủ trương chuyển đổi dự án Nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO