Sự kiện đầu tiên diễn ra ngay ngày mai (7/3), khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bắt đầu điều trần về chính sách tiền tệ tại đồi Capital, trước Ủy ban ngân hàng (Thượng viện) và Ủy ban dịch vụ tài chính (Hạ viện).
Không có gì phải bàn cãi, chắc chắn tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là lộ trình tăng lãi suất của Fed và những biện pháp tăng cường để kiểm soát giá cả leo thang. Ngoài ra, ông Powell sẽ nhận định về triển vọng kinh tế Mỹ, đặc biệt là lạm phát, áp lực tiền lương và thị trường lao động.
“Thị trường sẽ bám vào bất cứ tín hiệu tích cực nào từ ông Powell. Cách đây không lâu, ngay sau khi cụm từ “giảm lạm phát” (disinflation) được ông Powell nói ra, thị trường đã tăng điểm ngay lập tức”, Emily Hill, chuyên gia đang công tác tại Bowersock Capital nói.
Và trên thực tế, tuần trước phố Wall có tuần tốt nhất trong 1 tháng phần lớn cũng là nhờ nhận định của Chủ tịch Fed Atlanta – Raphael Bostic – rằng Fed có thể ngừng tăng lãi suất vào mùa hè này.
Sau ông Powell, nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi báo cáo việc làm tháng 2 được công bố vào ngày 10/3. Ngày 14/3 là chỉ số giá tiêu dùng. Nếu thị trường việc làm và lạm phát tiếp tục “nóng bỏng”, bất cứ niềm hi vọng nào về việc Fed lùi bước sẽ bị dập tắt.
“Nền kinh tế đang có quá nhiều dấu hiệu trái chiều. Vì thế nhà đầu tư sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các số liệu”, Hill nói.
Quay trở lại tháng 1, thị trường lao động Mỹ rất khỏe mạnh và là nhân tố quan trọng gây ra lạm phát. Nhưng đó là mối nguy đối với giá cổ phiếu vì lạm phát dai dẳng sẽ ngăn Fed ngừng tăng lãi suất.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 sẽ là 3,4%, không đổi so với tháng 1. Số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống còn 215.000, so với mức cao đột biến 517.000 việc làm trong tháng 1.
Số liệu lạm phát tháng 2 rất quan trọng. Sau khi lạm phát tăng trong tháng 1, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát dai dẳng đều có thể thôi thúc Fed tăng lãi suất mạnh hơn dự tính.
Các chuyên gia dự báo tỷ lệ lạm phát tháng 2 là 6%, cải thiện so với mức 6,4% của tháng 1. Tuy nhiên chỉ số CPI lõi (loại bỏ những mặt hàng có giá biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng) sẽ tăng 5,4% so với tháng 2/2022 và 0,4% so với tháng trước. Trong khi đó mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.
Sau đó vào ngày 22/3, Fed sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng và đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất. Đây cũng là sự kiện khiến nhà đầu tư lo lắng nhất. Theo số liệu thời gian thực mà Citigroup thống kê, các trader dự báo sẽ có biến động lớn về số liệu. Tuy nhiên thị trường dường như đang đánh giá thấp rủi ro này, theo Stuart Kaiser, người đứng đầu bộ phận chiến lược giao dịch cổ phiếu Mỹ của Citigroup.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đang khá bình tĩnh. Trong 3 phiên kết thúc vào ngày 1/3, chỉ số S&P 500 biến động chưa đến 0,5% mỗi ngày. Thời kỳ gần nhất thị trường êm ả đến vậy là từ tháng 1, khi nhà đầu tư tăng đặt cược rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái và lạm phát hạ nhiệt.
Theo Michael Antonelli, chiến lược gia của Baird, những dự báo kinh tế của Fed và các binh luận của ông Powell vẫn ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nhưng nếu số liệu gây bất ngờ, đặc biệt là lạm phát nóng hơn nhiều so với dự báo) sẽ dập tắt nỗ lực hồi phục của thị trường.
Tham khảo Bloomberg