Top 10 mã chứng khoán có EPS cao nhất thị trường

Quỳnh Anh | 16:29 04/03/2023

Trong tình hình ảm đạm của thị trường chứng khoán trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh nổi bật với cổ phiếu với EPS cao vượt trội.

Top 10 mã chứng khoán có EPS cao nhất thị trường
Hóa chất Đức Giang cùng một công ty con cùng lọt top 10 mã cổ phiếu có EPS cao nhất sàn chứng khoán.

Nội dung chính:

  • Quý IV/2022, Vận tải Portserco có mức thu nhập cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết - lên tới gần 42.000 đồng mỗi cổ phiếu. 
  • Nhóm doanh nghiệp khoáng sản - hóa chất gồm Xuất Nhập khẩu Than – Vinacomin, Phốt pho Apatit Việt Nam, Hóa chất Việt Trì, Hóa chất Đức Giang đang sở hữu các mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận cao. 
  • Cuối năm 2022, Truyền thông VMG là công ty công nghệ duy nhất sở hữu cổ phiếu nằm trong top 10 mã cổ phiếu có thu nhập cao nhất.  

Chỉ số EPS (Earnings per Share) là lợi nhuận sau thuế mà nhà đầu tư sẽ được nhận từ 1 cổ phiếu. Đây còn được hiểu là khoản lợi nhuận bình quân trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp. EPS là một trong nhiều chỉ số được nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn cổ phiếu, đánh giá khả năng sinh lời cũng như khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

10 mã cổ phiếu có EPS cao nhất quý IV/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro) 

Đứng đầu về EPS trong quý IV/2022 là mã cổ phiếu PRC của Vận tải Portserco với thu nhập trên mỗi cổ phiếu xấp xỉ 41,5 nghìn đồng. 

Mức EPS cao đột biến của PRC có được nhờ việc công ty bán tài sản (dự án kho bãi tại Đà Nẵng) vào quý IV/2022 - khiến lợi nhuận công ty tăng đột biến từ 570 triệu đồng quý IV/2021 lên 64 tỷ đồng quý IV/2022. 

Cổ phiếu PRC bắt đầu tăng vọt từ cuối tháng 10/2022. 

Ngay sau thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu PRC lập tức tăng gần 10% trong một phiên, dù khoảng 6 tuần trước đó mã cổ phiếu này không có bất kỳ giao dịch nào khớp lệnh. Cuối ngày 3/3/2023, giá cổ phiếu PRC đang ở mức 53.400 đồng/cp. 

Cổ phiếu ngành khoáng sản - hóa chất vẫn hấp dẫn

Phốt pho Apatit Việt Nam (mã CK: PAT) trở thành á quân về EPS năm 2022, đạt gần 36,3 nghìn đồng. Trong khi đó, công ty mẹ Hóa chất Đức Giang (mã CK: DGC) đứng thứ 10 trong danh sách các mã cổ phiếu có EPS cao nhất, xấp xỉ 13,8 nghìn đồng.

Năm 2022, PAT ghi nhận lãi ròng đạt hơn 964 tỷ đồng, tăng 276% so với cùng kỳ và vượt tới 61% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác trong ngành khoáng sản cũng có chỉ số EPS lọt top 5 toàn sàn chứng khoán là Xuất Nhập khẩu Than – Vinacomin (V-COALIMEX, mã CK: CLM). Tính đến cuối quý IV/2022, thu nhập trên mỗi cổ phiếu CLM lên đến gần 31 nghìn đồng. 

Đáng chú ý, giá cổ phiếu CLM đã tăng gấp 3 chỉ trong tháng 7/2022, từ 35 nghìn đồng/cp vượt lên trên 98 nghìn đồng/cp. Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, đà tăng giá này đã chấm dứt và chuyển sang xu hướng giảm giá. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/3/2023, cổ phiếu CLM đang ở mức 62.000 đồng/cp. 

Diễn biến giá cổ phiếu CLM của Xuất Nhập khẩu Than – Vinacomin. 

V-COALIMEX ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 44 tỷ đồng, tăng 450% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm 2022 đạt 337 tỷ đồng, tăng hơn 1.000% so với năm 2021. 

Năm 2022, giá thành các nguyên liệu như xăng, dầu, than, khí tự nhiên,... tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành than cũng được hưởng lợi, thiết lập nhiều kỷ lục lợi nhuận.

2 doanh nghiệp hóa chất - Hóa chất Việt Trì (mã CK: HVT) và Hóa chất Đức Giang (mã CK: DGC) cũng góp mặt trong danh sách này với chỉ số EPS lần lượt là 15,9 nghìn đồng và 14,7 nghìn đồng. 

Điểm sáng từ cổ phiếu công nghệ 

Công ty công nghệ duy nhất sở hữu cổ phiếu có thu nhập cao trong quý IV/2022 là Truyền thông VMG (mã CK: ABC) với chỉ số EPS đạt 38,1 nghìn đồng. 

Chỉ trong 3 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu của VMG đã tăng hơn 170%, đạt 14.100 đồng/cp. 

Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VMG đạt hơn 777 tỷ đồng được đóng góp phần lớn bởi khoản lãi quý IV - có được nhờ việc hoàn nhập dự phòng.

Tháng 5/2017, Truyền thông Media chuyển nhượng toàn bộ 62,25% cổ phần tại công ty này cho hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Server (GPS) và UTC Investment (UTC). 

Sau đó, GPS và UTC cho rằng VMG phản ánh không trung thực về tình hình tài chính của EPAY và EPAY đã tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật tại Việt Nam, dẫn đến quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần. Do đó, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện, đòi VMG bồi thường gần 756 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore phán quyết GPS và UTC giành chiến thắng trong vụ kiện trên. 

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/1/2023, Hội đồng xét xử tòa án cấp cao tại Hà Nội lại tuyên bố "không công nhận" và "không cho thi hành" phán quyết của SIAC. Vì vậy, VMG đã hoàn nhập lại khoản dự phòng phải trả đã trích lập trước đó. 

Hiện GPS và UTC không còn là cổ đông của Truyền thông VMG.

*Chỉ số EPS sử dụng trong bài viết được tính toán bởi FiinPro

Bài liên quan

(0) Bình luận
Top 10 mã chứng khoán có EPS cao nhất thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO