Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse về tài sản toàn cầu (Global Wealth Report 2023), tổng tài sản ròng cá nhân trên thế giới đã giảm 2,4%, từ 11,3 nghìn tỷ USD còn 454,4 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022. Báo cáo đánh giá, phần lớn sự sụt giảm này đến từ việc đồng đô la Mỹ tăng giá so với nhiều đồng tiền khác.
Được biết, dữ liệu của báo cáo năm nay được đánh giá dựa trên tài sản ước tính của 5,4 tỷ người trưởng thành trên khắp 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thuộc tất cả các nhóm khác nhau trên thang tài sản.
Nếu xét theo tiêu chí giá trị tài sản của một người trưởng thành, báo cáo cho biết, tài sản của mỗi người trưởng thành cũng giảm 3.198 USD (–3,6%) xuống còn 84.718 USD/người vào cuối năm 2022.
Xét theo khu vực, theo Credit Suisse, các quốc gia có mức giàu có trên mỗi người trưởng thành cao (trên 100.000 USD) tập trung ở Bắc Mỹ và Tây Âu, một số khu vực ở Đông Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và Caribbean.
Nhóm các quốc gia có mức độ "giàu có trung bình", với giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành dao động trong khoảng 25.000–100.000 USD bao gồm Trung Quốc đại lục, Nga, các thành viên mới của Liên minh châu Âu và các nền kinh tế thị trường mới nổi quan trọng ở Mỹ Latin, Trung Đông và Đông Á.
Đối với Việt Nam, Việt Nam thuộc nhóm "cận giàu có", với giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành dao động trong khoảng từ 5.000–25.000 USD/người, cùng nhóm với các nền kinh tế đang phát triển khác như Lào và Campuchia.
Cụ thể hơn, dữ liệu của Credit Suisse chỉ ra rằng, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đạt 14.569 USD vào năm 2022. Trong khi đó, vào năm 2000, con số này chỉ đạt khoảng 1.595 USD. Có thể thấy, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam đã tăng gấp 9 lần trong vòng 22 năm.
Nếu xét trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 108 trên thế giới. Cũng trong bảng xếp hạng này, 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành trong năm 2022 cao nhất thế giới bao gồm: Thụy Sĩ (685,2 nghìn USD); Luxembourg (585,9 nghìn USD); Mỹ (551,3 nghìn USD); Hong Kong (Trung Quốc – 551,1 nghìn USD) và Iceland (498,2 nghìn USD).
Nếu chỉ xét riêng khu vực Đông Nam Á, trong năm 2022, mức giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam xếp sau Singapore (382,9 nghìn USD); Brunei (39,9 nghìn USD); Malaysia (29,3 nghìn USD); Thái Lan (25,9 nghìn USD) và Indonesia (17,4 nghìn USD).
Theo Credit Suisse, tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi cũng khiến số triệu phú trên toàn cầu giảm 3,5 triệu người, còn khoảng 59,4 triệu người. Tỷ trọng tài sản của thế giới nằm trong top 1% giàu nhất giảm xuống còn 44,5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia thực hiện bản báo cáo dự báo rằng sự giảm sút ghi nhận trong năm 2022 của tài sản của hộ gia đình trên toàn cầu có thể chỉ là nhất thời.
Theo dự báo, tổng tài sản ròng của hộ gia đình trên toàn cầu đến năm 2027 sẽ đạt 629 nghìn tỷ USD, tức là tăng 38%. Ngoài ra, số triệu phú được dự báo có thể đạt 85 triệu người vào năm 2027, từ mức 60 triệu người vào năm 2022.