Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Khoảng 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa hiện nằm trong tay 2 doanh nghiệp Nhà nước là Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL).
Ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 2/2023, hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt tổng doanh thu gần 88.100 tỷ đồng, tương đương mức bình quân mỗi ngày thu gần 970 tỷ đồng. Con số này tăng nhẹ so với quý 1 liền trước song chưa thể trở về vùng đỉnh đạt được hồi giữa năm ngoái.
Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần 65.752 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và cũng giảm nhẹ 2% so với quý trước. Ngược lại, doanh thu thuần quý 2 của PV Oil tăng tốt so với quý trước đó dù vẫn giảm 27% so với cùng kỳ, đạt hơn 22.300 tỷ đồng.
Tương tự với doanh thu, Petrolimex và PV Oil cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trái chiều. Petrolimex ghi nhận lãi sau thế tăng 27% so với quý liền trước lên 850 tỷ đồng, thậm chí quý 2 năm ngoái doanh nghiệp lỗ 141 tỷ đồng. Kết quả tích cực này không chỉ nhờ hoạt động kinh doanh xăng dầu thuần túy tăng trưởng tốt mà còn tới từ việc tiết giảm chi phí tài chính cụ thể là chi phí lãi vay giảm khoảng 30%
Trong khi đó, PV Oil có quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận sụt giảm so với quý trước và chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái, đạt 189 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ dầu tăng nhưng giá dầu Brent DTD trung bình 6 tháng đầu năm giảm đã khiến lợi nhuận quý 2 đi xuống.
Tồn kho đồng loạt tăng, tổng giá trị lên hơn 19.000 tỷ đồng
Không như kết quả kinh doanh, chiến lược tích trữ tồn kho của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước có sự tương đồng. Tại thời điểm cuối quý 2, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex đã tăng gần 790 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1 lên 15.367 tỷ đồng. Tương tự, giá trị hàng tồn kho của PV Oil đã tăng 470 tỷ đồng sau quý 2 lên gần 3.800 tỷ đồng. Petrolimex và PV Oil đều trích lập dự phòng giảm giá không đáng kể cho khoản mục này vào cuối quý 2 vừa qua.
Như vậy, tổng lượng tồn kho của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PV Oil đã tăng trở lại lên mức trên 19.000 tỷ đồng vào cuối quý 2. Dù vậy con số này vẫn giảm khoảng 1.053 tỷ đồng so với đầu năm và thấp hơn rất nhiều so với mức kỷ lục hơn 29.412 tỷ đồng ghi nhận tại thời điểm 31/3/2022.
Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trở lại. Gần nhất, theo quyết định của liên Bộ Công Thương- Tài chính, từ 15h ngày 1/8/2023, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.152 đồng/lít, lên 22.791 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.171 đồng/lít, lên 23.963 đồng/lít, cao nhất từ giữa tháng 4; dầu diesel là 20.612 đồng/lít, tăng 1.112 đồng, cao nhất kể từ kỳ điều chỉnh ngày 21/2.
Nếu giá xăng, dầu tiếp tục xu hướng tăng như trong các kỳ điều chỉnh gần đây, tồn kho lớn sẽ giúp các nhà bán lẻ xăng dầu được hưởng lợi. Mặt khác, trong trường hợp giá loại nhiên liệu này quay đầu giảm, lượng tồn kho giá cao sẽ gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận gộp cũng như kết quả kinh doanh của cả Petrolimex và PV Oil nhưng sẽ ở mức độ khác nhau.