Ngay từ những ngày đầu sau khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN được ban hành, BIDV đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 và năm 2023 với số tiền 3.820 tỷ đồng. Theo đó ngày 13/6/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho BIDV là 1.060 tỷ đồng.
Để kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, BIDV đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, ngân hàng tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ trong toàn hệ thống về quy định hỗ trợ lãi suất, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Một nội dung quan trọng khác được BIDV tập trung nguồn lực để thực hiện đó là xây dựng và vận hành chương trình quản lý khoản vay hỗ trợ lãi suất, giúp tính toán và thực hiện hỗ trợ lãi suất được minh bạch, góp phần tiết kiệm thời gian tác nghiệp. Đối với công tác truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất, BIDV đã công bố thông tin công khai minh bạch về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đến khách hàng, đồng thời chủ động tiếp cận, tư vấn và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay hỗ trợ lãi suất.
Tính đến thời điểm ngày 30/10/2022, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực nhất trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, xét về cả quy mô dư nợ được hỗ trợ lãi suất và số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN là chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó vai trò của BIDV nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung trong việc triển khai là rất quan trọng.
BIDV yêu cầu các đơn vị trong hệ thống phối hợp chặt chẽ để kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, đối tượng, mục đích và an toàn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất và công tác truyền thông đến khách hàng, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.