Trên giấy tờ, rừng Amazon là một trong những hệ sinh thái được quan tâm và bảo vệ bậc nhất thế giới. Tờ Vox cho biết có hàng nghìn khu vực tại đây được liệt vào danh sách bảo tồn và vô số điều luật được tạo ra nhằm giữ gìn lá phổi xanh của trái đất này.
Đặc biệt, hàng loạt công ty ngành thịt - nguyên nhân chính cho nạn phá rừng làm nơi chăn nuôi tại Amazon, cũng đã cam kết trong 10 năm qua về việc nuôi bò mà không tổn hại đến rừng cây. Thế nhưng theo những gì mà vệ tinh theo dõi, diện tích rừng Amazon lại giảm đi nhanh chóng.
Trong khoảng tháng 8/2018-7/2021, hơn 34.000 km2 rừng Amazon đã biến mất, một diện tích còn lớn hơn nước Bỉ và tăng 52% so với lượng rừng bị chặt phá cách đây 3 năm.
Theo Vox, nếu hình ảnh vệ tinh không nói sai thì ngành thịt hiện nay đang “rửa bò”, ám chỉ việc họ lách luật để kinh doanh những con bò đã được nuôi trong các trang trại chặt phá rừng.
Xin được nhắc là không chỉ có chặt phá rừng mà các trang trại chăn nuôi còn đóng góp nhiều khí thải nhà kính, làm ô nhiễm nguồn đất và nước do chất thải bò.
Trang trại bẩn
Trên thực tế, thuật ngữ “rửa bò” (Cattle Laundering) đã được các nhà khoa học và bảo vệ môi trường sử dụng trong 10 năm qua khi nghiên cứu về những cánh rừng bỗng nhiên biến mất mà chả có một vụ vi phạm hay đền bù nào diễn ra.
Cụ thể, người nông dân sẽ chuyển những con bò từ các trang trại “bẩn”, tức là khu vực nuôi trồng thông qua phá rừng, đến các trang trại “sạch” được công nhận là không đốt phá cánh rừng nào. Đến khi những con bò này được đưa vào lò mổ lấy thịt thì xuất xứ của chúng đã được làm sạch theo đúng tiêu chuẩn cũng như quy định bảo vệ môi trường.
Với dân số ngày một tăng cùng với đà đi lên của nhu cầu lương thực, không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp ngành thịt phải tìm kiếm thêm những nguồn chăn nuôi mới và các trang trại bẩn trở thành lựa chọn hiệu quả nhất.
Tờ Vox dẫn chứng một bản báo cáo gần đây của trường đại học Wisconsin Madison cho thấy hàng triệu con bò được làm thịt hiện nay đến từ các trang trại bẩn ở Amazon và đã vượt qua được các quy định bảo vệ môi trường dễ dàng. Hậu quả là những miếng thịt có được nhờ đốt phá rừng này lại đang được bán khắp thế giới.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến chặt phá rừng như lấy gỗ hay lấy đất trồng cọ ở Brazil nhưng theo các nhà khoa học, việc chặt rừng làm nơi chăn nuôi bò là nguyên nhân lớn nhất tàn phá hệ sinh thái Amazon.
Xin được nhắc là Brazil hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò và phần lớn trong 90% lượng rừng bị đốt phá tại đây có liên quan đến chăn nuôi.
Nghiên cứu của Wisconsin Madison cho thấy việc chặt rừng lấy đất nuôi bò đem lại khá nhiều lợi nhuận và cũng khá dễ dàng kiếm tiền. Người nông dân chỉ việc cắt bỏ những cây rừng có giá để bán lấy tiền, đốt trụi số còn lại để làm dinh dưỡng cho đất và đem bò về nuôi.
Cách phá rừng làm chăn nuôi này đã tồn tại nhiều thập niên cho đến năm 2009, tổ chức Greenpeace đã công bố báo cáo điều tra vạch trần mặt tối này. Ngay sau đó, nhiều tập đoàn ngành thịt nổi tiếng trên thế giới như JBS, Marfrig, hay Minerva đã ký cam kết với các cơ quan chức năng cũng như một bản thỏa thuận riêng với Greenpeace về việc ngừng mua bò từ những trang trại bẩn.
Về lý thuyết, những cam kết này đã đem lại một số kết quả khi phần lớn doanh nghiệp và lò mổ đều kiểm tra xuất xứ của những con bò mà họ mua. Những trang trại bán bò đều cung cấp địa điểm chăn nuôi của mình trong khi các hãng thịt thuê công ty tư vấn kiếm tra địa điểm chăn nuôi đó có chặt phá rừng gì không dựa trên số liệu vệ tinh.
Thế nhưng, thực tế thì khác xa như vậy khi trên có chính sách thì dưới có đối sách.
Rửa bò
Theo các văn bản ký kết, những nhà máy thịt chỉ được mua bò từ các trang trại không chặt phá rừng, nhưng thực tế thì có rất nhiều cách để lách luật và câu chuyện chuyển bò từ trang trại bẩn sang sạch phức tạp hơn rất nhiều.
Tờ Vox cho biết cách làm thường thấy nhất và đơn giản nhất của các trang trại là luân chuyển đàn bò qua càng nhiều trang trại càng tốt. Chúng có thể sinh ra ở trang trại A, nuôi lớn ở trang trại B rồi vỗ béo ở trang trại C... qua rất nhiều nơi trước khi đến lò mổ.
Trang trại bẩn có thể là một trong số những nơi luân chuyển này nhưng thường các nhà máy thịt sẽ chỉ kiểm tra nguồn nhập trực tiếp lúc họ mua vào, tức là trang trại cuối cùng bán bò cho họ.
Điều này đồng nghĩa các trang trại có thể thoải mái chặt phá rừng để nuôi bò mà vẫn bán được cho xưởng thịt với nhãn mác “thân thiện môi trường’ trên sản phẩm. Các nhãn hàng thì có nguồn cung bán hàng còn người tiêu dùng thì đinh ninh là họ vẫn đang bảo vệ môi trường.
Việc rửa bò này diễn ra cực kỳ phổ biến với số lượng lớn do lợi nhuận mà nó đem lại. Tờ Vox dẫn báo cáo của OCCRP cho thấy chỉ trong một tỉnh thuộc vùng rừng Amazon tại Brazil cũng đã có hơn 90.000 con bò được nuôi tại các trang trại bẩn giai đoạn 2018-2021.
Cuộc điều tra sau đó cho thấy những con bò này được chuyển sang trang trại sạch trước khi đưa đến lò mổ. Ít nhất một trong những lò mổ thu mua chúng thuộc về các tập đoàn JBS và Marfrig, 2 công ty thịt lớn nhất thế giới có doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm đã cam kết chống phá rừng để chăn nuôi.
Sau khi được Vox liên hệ, cả JBS và Marfrig đã cho biết họ không hề nhận được báo cáo gì về tình hình này và cam kết sẽ ngừng ngay lập tức việc thu mua bò từ các trang trại được cho là vi phạm theo cuộc điều tra.
Trong khoảng 2013-2018, các nhà máy thịt đã nhập 60,5 triệu con bò từ các vùng rừng Amazon tại Brazil như Mato Grosso, Pará hay Rondônia. Báo cáo của Conservation Letters cho thấy hơn 3 triệu trong số này, tương đương 5% tổng số đã từng được luân chuyển qua trang trại bẩn.
Đặc biệt, khoảng 2,2 triệu con bò trong số trên đã được luân chuyển qua trang trại thuộc vùng không cần bảo vệ (Unprotected Area), nhờ đó có thể tự do bán cho các nhà máy thịt mà không cần kiểm tra.
Trong khoảng tháng 6/2020-1/2022, khoảng 350 trang trại tại Para-Brazil đăng ký bán bò nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy họ chẳng có khu vực đồng cỏ nuôi bò nào cả.
“Rất nhiều trang trại cả bẩn lẫn sạch đều được sở hữu bởi cùng một chủ. Thật quá dễ dàng để họ giữ cho một trang trại sạch làm nền để nuôi bò tại những nơi chặt phá rừng khác”, giáo sư Holly Gibbs của trường đại học Wisconsin Madison cảnh báo.
*Nguồn: The Vox