Đầu tháng 7, CTCP Y khoa Tâm Trí (Tâm Trí Medical - TTM Group) đã mua lại Bệnh viện Đa khoa Bình An Quảng Nam, trở thành bệnh viện thứ bảy của Tập đoàn này. Ngay sau đó, bệnh viện được đổi tên thành BV đa khoa Tâm Trí Quảng Nam.
Theo giới thiệu, bệnh viện Bình An đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, với khoảng 200 người lao động, quy mô 250 giường bệnh nội trú. Từ cuối năm 2022, Bình An gặp khó khăn, nợ lương và BHXH của người lao động. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Bệnh viện, sau khi về tay nhà đầu tư mới, toàn bộ các khoản nợ với giá trị gần 10 tỷ đồng đã được trả xong.
Nhưng không dừng lại ở đó, thông tin từ Vinacapital cho biết, vào đầu tháng 8, TTM đã đồng ý mua lại một bệnh viện khác, đó là Vạn Phúc Sài Gòn (VPSG), nằm tại quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.
Cách đây 6 năm, hồi tháng 1/2017, Lễ ký kết hợp tác đầu tư xây dựng bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc Sài Gòn giữa Công ty CP Đầu tư địa ốc Vạn Phúc và Công ty TNHH Bệnh viện Vạn Phúc đã diễn ra, công bố quy mô khoảng 500 giường trên khu đất 15.233m2 tại khu đô thị Vạn Phúc (Tp.HCM). Khi đó, là bệnh viện thứ 3 do Công ty TNHH Bệnh viện Vạn Phúc phát triển.
Đến tháng 11/2020, bệnh viện tổ chức lễ cất nóc, tiết lộ tổng vốn đầu tư 864 tỷ đồng, quy mô 350 giường và dự kiến khánh thành vào quý 4/2021.
Mặc dù vậy, theo thông tin trong công bố của Vinacapital, VPSG có thiết kế công suất khoảng 200 giường nhưng đang hoạt động dưới công suất và đang gặp khó khăn. Với việc mua lại, TTM sẽ tăng đáng kể công suất hiện tại cho VPSG bằng cách bắt tay vào phát triển hai giai đoạn của dự án để tăng giường, tăng năng lực và nâng cao mức độ dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến trong vòng 18 tháng tới sẽ có thêm 150 giường, trong khi Giai đoạn 2 hoàn thành sẽ tăng gấp đôi công suất lên tới 300 giường.
Thiết kế của bệnh viện đa khoa Vạn Phúc Sài Gòn
Trên website, Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn cho biết dự kiến sẽ khánh thành vào quý 3/2023, hiện tại đang tiến hành hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, đồng thời là công tác tuyển dụng đội ngũ y, bác sỹ, CBCNV bệnh viện.
Sau các thương vụ mua lại này và việc mở rộng VPSG, TTM Group sẽ có 8 bệnh viện với khoảng 1.500 giường, trải rộng trên các địa phương Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Tháp, Quảng Nam.
Quỹ VOF của Vinacapital đầu tư vào Tâm Trí Medical vào năm 2018. Khi đó, CTCP Y khoa Tâm Trí có vốn điều lệ 710 tỷ đồng, do VOF nắm 9,722%. Theo đăng ký kinh doanh mới nhất hồi tháng 7/2022, Tâm Trí Medical đã tăng vốn lên 986 tỷ đồng và VOF nắm 35%.
Ngoài Tâm Trí, VOF cũng đầu tư vào bệnh viện Thái Hòa. Báo cáo bán niên cho biết, VOF đã đưa Thái Hòa vào hệ sinh thái của Tâm Trí.
Y Khoa Tâm Trí có Giám đốc là Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người đã sáng lập tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ rồi bán cho các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2013. Năm 2009, quĩ VOF đã đầu tư 30 triệu USD vào Hoàn Mỹ và trở thành một trong những thương vụ đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực y tế. Năm 2013, VOF thoái vốn tại Hoàn Mỹ cho Tập đoàn Fortis Healthcare với giá 100 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần.
Chỉ trong 2 tháng qua, thị trường y tế, chăm sóc sức khỏe Việt Nam liên tiếp đón nhận thông tin về những thương vụ M&A lớn.
Vào tháng 7, Tập đoàn Y tế Thomson có trụ sở tại Singapore cho biết đã đồng ý mua Bệnh viện FV do Pháp hậu thuẫn tại TP.HCM với giá 381,4 triệu USD. Đây là thương vụ mua lại bệnh viện lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Nó cũng đánh dấu thương vụ mua lại ngành chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Tháng 8, Business Korea đưa tin Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) vừa thông báo đã ký hợp đồng mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây ở Việt Nam. Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Dongwha Pharm cho biết đã chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma, tương đương mức định giá lên đến 60 triệu USD (hơn 1.412 tỷ đồng).
Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay. Đây là bước đi giúp Dongwha Pharm thâm nhập thị trường Việt Nam với các loại thuốc không kê đơn.
Mới đây, một nguồn tin cho biết công ty đầu tư toàn cầu KKR của Mỹ đang đàm phán với Heliconia Capital – một quỹ đầu tư Singapore thuộc sở hữu của Temasek Holdings - để mua lại Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG). Đây là doanh nghiệp điều hành chuỗi bệnh viện mắt tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.
MSG có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang điều hành 14 bệnh viện trên khắp Việt Nam, bao gồm 9 bệnh viện mắt và 5 bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, họ còn điều hành một Trung tâm Eagle Eye tại TP.HCM với sự hợp tác của Eagle Eye Center của Singapore, một bệnh viện mắt hàng đầu thế giới.
KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ và là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. Từ 2011 đến nay, quỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty của Việt Nam với nhiều thương vụ lớn mà nổi bật có Masan, Vingroup…