Thị trường mặt bằng bán lẻ đang dịch chuyển ra ngoại ô
Báo cáo thị trường mới đây của Công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam cho thấy khối đế bán lẻ tại các khách sạn lớn ở Quận 1 như Rex Arcade, MPlaza Saigon, Times Square, Terra Royal... đang có tỷ lệ lấp đầy là 100%, không còn mặt bằng trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các trung tâm thương mại cao cấp như Diamond Plaza, Saigon Center, Vincom Center Đồng Khởi...
Theo Avison Young Việt Nam, tổng nguồn cung bán lẻ của TP.HCM hiện đạt gần 1,5 triệu m2, trong đó 75% ở khu vực ngoại thành. Khu trung tâm (Quận 1) không có nguồn cung mới.
Theo Avison Young, hiện giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm Quận 1 khoảng 275 - 300 USD mỗi m2/tháng (tương đương 7 triệu đồng mỗi m2). Còn số liệu của Savills cho thấy giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của trung tâm thương mại trọng điểm khu Quận 1, Quận 3 đang ở mức 230 USD mỗi m2/tháng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về sức hút của các trung tâm thương mại, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho biết các nơi này luôn là điểm đến được lựa chọn đầu tiên của nhiều nhãn hàng danh tiếng khi đặt chân vào thị trường TP.HCM. Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu để có được không gian tại khu vực trung tâm rất khốc liệt, hầu như đều phải đăng ký khá lâu để có chỗ thuê.
Ông David Jackson dẫn chứng, mới đây thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp là Longchamp, Lush và thương hiệu đồ chơi Popmart đều cùng chọn một trung tâm thương mại ở Quận 1 để mở cửa hàng đầu tiên dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn hơn tại các dự án ngoại thành.
Chia sẻ quan điểm, bà Võ Thị Phương Mai - Trưởng phòng Dịch vụ mặt bằng bán lẻ CBRE Việt Nam, nhận định khu CBD (khu vực trung tâm thương mại và kinh doanh) nói riêng và TP.HCM nói chung đều thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung bán lẻ. Nhiều năm qua, thành phố hầu như không có dự án mới và chỉ cải thiện phần nào trong năm nay.
Riêng khu vực Quận 1 không có dự án mới nào. Quỹ đất để phát triển dự án ở đây cũng đã cạn dần nên tình trạng khan hiếm sẽ còn tiếp diễn. Sắp tới, chỉ có 1-2 khối đế đưa vào vận hành và phần lớn đều đã có khách đặt thuê trước. Vì vậy, sẽ ngày càng khó tìm thuê một mặt bằng bán lẻ tại khu vực Quận 1, ngay cả các khu lân cận như trung tâm Quận 7, Quận 3 cũng không còn dễ kiếm.
Mặc dù thị trường bán lẻ trung tâm TP.HCM đang được hưởng lợi từ nguồn cung khan hiếm, bà Võ Thị Phương Mai nhìn nhận: việc thiếu dự án mới đang khiến các mặt bằng bán lẻ này có tính trải nghiệm kém hơn so với những dự án mới triển khai. Nhiều thương hiệu lớn về mảng thời trang, ẩm thực, phong cách sống đang bắt đầu dịch chuyển dần ra các dự án ở vùng ngoại thành, nơi đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng thuê diện tích lớn nhằm tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.
Dự báo triển vọng tích cực
Theo Avison Young Việt Nam, tại các khu vực trung tâm, nơi nhu cầu cao nhất, không gian bán lẻ có vị trí đắc địa rất khan hiếm và có giá cao. Do đó, các nhà phát triển ngày càng chuyển sự chú ý sang các khu vực ngoại thành và các khu đô thị mới, nơi có thể phát triển các dự án lớn một cách dễ dàng hơn. Khi các khu vực này ngày càng kết nối tốt hơn với trung tâm thành phố thông qua cơ sở hạ tầng giao thông cải thiện, dân số sẽ gia tăng và nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng theo, biến khu vực ngoại thành trở thành vị trí lý tưởng để phát triển trung tâm thương mại mới.
Ngoài ra, mặc dù thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, nhiều người tiêu dùng vẫn thích đến các cửa hàng vật lý, đặc biệt là đối với các sản phẩm thời trang, xa xỉ phẩm và những mặt hàng cần trải nghiệm trực tiếp.
Do đó, các trung tâm thương mại đang thích ứng bằng cách kết hợp các chiến lược bán lẻ đa kênh, kết hợp trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến. Cách tiếp cận này nâng cao hành trình mua sắm của khách hàng, cho phép họ duyệt sản phẩm trực tuyến và mua tại cửa hàng, hoặc ngược lại.
Với sự thiếu hụt không gian bán lẻ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Singapore và việc diện tích bán lẻ trên đầu người tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, tạo ra khoảng trống lớn mà các nhà phát triển có thể khai thác.
Các tập đoàn bán lẻ lớn như Aeon Mall, Central Retail và Lotte đang đẩy mạnh cuộc đua mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, xem đây là thị trường chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sức mua ngày càng lớn, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để các “ông lớn” quốc tế phát triển hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị. Aeon Mall, Central Retail và Lotte không chỉ mở rộng quy mô mà còn tìm cách nâng cao trải nghiệm mua sắm, kết hợp bán lẻ với giải trí và ẩm thực để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, Vin Retail - thương hiệu nội địa mạnh mẽ của Việt Nam, cũng đang khẳng định vị thế của mình thông qua chuỗi Vincom, tập trung phát triển hệ thống bán lẻ đa kênh và ứng dụng công nghệ hiện đại. Cuộc cạnh tranh khốc liệt này hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam, mang lại nhiều lựa chọn mua sắm đa dạng cho người tiêu dùng. Việc đầu tư phát triển các trung tâm thương mại tại Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng tươi sáng, mang lại cơ hội lớn cho cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng theo Avison Young Việt Nam, để có thể thành công trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nhà đầu tư cần tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, ứng dụng công nghệ hiện đại, và sáng tạo trong thiết kế không gian nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, việc mở rộng đầu tư vào các khu vực ngoại ô và xây dựng các trung tâm thương mại đa chức năng sẽ là những chiến lược quan trọng để khai thác tiềm năng tăng trưởng lâu dài.