Phát biểu tại Nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang cảnh báo các chủ đầu tư nhà xã hội sẽ vỡ nợ vì "không khách hàng nào đủ điều kiện mua" khi nhiều quy định đang làm khó công nhân.
Theo đó, đại biểu Thịnh cho biết, tại Bắc Giang công nhân muốn mua nhưng lại không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác".
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh, (huyện Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng một m2. Chủ đầu tư đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, nhưng từ khi công bố nhận hồ sơ đã hơn một năm mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.
Với thực tế trên, ông Thịnh cho rằng, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện. Do đó, ông Thịnh kiến nghị nới điều kiện được mua, thuê nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, những bất cập trong quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng là trở ngại khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa có ai vay dù triển khai gần hai tháng. Đây là gói cho vay hỗ trợ với chủ đầu tư, người mua dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất trên thị trường.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó đoàn chuyên trách Bắc Ninh, đặt vấn đề, từng có gói hỗ trợ khác về mua, thuê nhà ở xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Các chính sách này đều có thời hạn thực hiện trong 2023 và kết quả thực hiện rất thấp. Chẳng hạn, gói giảm lãi suất 2% hỗ trợ vay nhà ở xã hội mới giải ngân được gần 1%, hay gói vay 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho công nhân, lao động mới thực hiện được hơn 34%.
"Các gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không, trong khi Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản hay Nhà ở đang sửa, quy hoạch liên quan chưa phê duyệt xong", đại biểu Trần Thị Vân đặt vấn đề.
Từ những phân tích của mình, bà Vân kiến nghị, Chính phủ gộp các gói hỗ trợ dành cho phát triển nhà ở xã hội thành một và kéo dài thực hiện các chính sách này đến hết năm 2025, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho lao động, công nhân.
Giải trình những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hiiuh , Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế như sửa quy định tại Luật Nhà ở và các pháp luật khác để triển khai hiệu quả nhất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nhiều điều kiện đã “lỗi thời”
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội đã lỗi thời sau thời gian dài ban hành mà chưa được sửa đổi nhằm cập nhật.
Theo đó, trong khi giá nhà xã hội tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song cách xác định thu nhập thấp - điều kiện quan trọng để được mua nhà - vẫn như 8 năm trước.
Theo quy định, những người được mua nhà xã hội gồm: người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường.
Trong đó, điều kiện để xác định "người thu nhập thấp" ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng.
Trong khi đó, theo chia sẻ của một số công nhân đang ở trọ cạnh khu công nghiệp Thạch Thất (Quốc Oai, Hà Nội), một gia đình cơ bản tại đô thị (2 bố mẹ, 2 con nhỏ) nếu có mức thu nhập tổng cộng không quá 11 triệu đồng/tháng thì chi phí ăn uống, sinh hoạt, tiền đóng học cho con,… còn không đủ thì lấy đâu ra tiền tích lũy mà mua nhà ở xã hội.
Nhận định về quy định xác định người có thu nhập thấp hiện nay, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cũng cho rằng điều kiện trên hiện rất lỗi thời. Tiêu chí xác định "thu nhập thấp" đang áp dụng chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập hộ gia đình (thông thường không được quá 50%).
“Trong khi giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi sau 5 năm, còn khung thu nhập dưới thuế vẫn giữ như 8 năm trước dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng”, ông Quang nhận định.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng nên tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4,4 triệu lên 5,5 triệu đồng để phù hợp hơn với thu nhập thực tế sau 8 năm Luật Nhà ở 2014 đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù nếu có được mua nhà ở xã hội thì những hộ gia đình công nhân, lao động, người thu nhập thấp cũng chưa chắc đã mua được nhà.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, một khảo sát của cơ quan này vào cuối năm 2022 cho kết quả tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, trong khi mức chi tiêu 10,3 triệu đồng.
"Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu thì tích lũy mua nhà là điều rất khó. Gia đình vợ chồng làm công nhân đang nuôi con nhỏ, có mức thu nhập 6-9 triệu mỗi tháng, nếu thắt lưng buộc bụng cũng mất khoảng 20 năm mới mua được nhà ở xã hội. Thậm chí có gia đình không thể mua vì làm đến đâu tiêu đến đấy, không có tích lũy", ông Tiến nói.
Bên cạnh đó một loạt khó khăn khác như: hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp, khó cạnh tranh suất mua, khó tiếp cận vốn vay... cũng như quy định về đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo - một nhóm khác đáp ứng tiêu chí được mua nhà xã hội - cũng gặp khó khăn không kém.