‘Bảo vật quốc gia’ được trả giá 5.000 tỷ yên mà Nhật Bản không muốn bán: Phần lớn sản phẩm được sản xuất độc quyền, phía cung ứng phải đổi công thức mỗi năm

Vũ Anh | 15:46 28/10/2024

Chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phong cách Nhật Bản đặc trưng có thể bị sao chép hoặc thay đổi cách vận hành nếu về tay tập đoàn ngoại.

‘Bảo vật quốc gia’ được trả giá 5.000 tỷ yên mà Nhật Bản không muốn bán: Phần lớn sản phẩm được sản xuất độc quyền, phía cung ứng phải đổi công thức mỗi năm

Tại một nhà máy bên ngoài Tokyo, công nhân cẩn thận chuẩn bị từng suất ăn trong những chiếc nồi nhỏ phục vụ các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Nhật Bản. Trứng ở đây lấy từ những con gà mái mơ được nuôi bằng chế độ thức ăn đặc biệt, vậy nên lòng đỏ có màu sẫm và vô cùng đậm đà.

Tuy nhiên, không ai biết điều gì sẽ xảy ra với công thức trên, khi cuộc chiến giành công ty mẹ Seven & i Holdings của 7-Eleven bùng nổ. Các giám đốc điều hành đang phản đối lời đề nghị mua lại trị giá 47 tỷ USD từ chủ sở hữu Circle K tại Mỹ, lo ngại rằng thương vụ có thể khiến các cửa hàng tiện lợi theo phong cách Nhật Bản đặc trưng bị sao chép hoặc thay đổi cách vận hành. 

Trong một lá thư vào tháng 9 từ chối lời đề nghị ban đầu của Alimentation Couche-Tard có trụ sở tại Quebec, hội đồng quản trị của công ty Nhật Bản đã chỉ ra vai trò quan trọng của Seven & i Holdings trong cuộc sống thường nhật, trên khắp các mảng bán lẻ thực phẩm, ngân hàng… Tổng giám đốc điều hành Ryuichi Isaka cho biết nhóm hiện tại của ông có vị thế đủ tốt để có thể xây dựng đà tăng trưởng toàn cầu cho thương hiệu 7-Eleven. 

7-Eleven của Nhật Bản, sau nửa thế kỷ phát triển, đã trở thành ‘thánh địa’ cho những ai cầu kỳ về ăn uống. 21.000 cửa hàng tại xứ sở mặt trời mọc chiếm hơn một nửa lợi nhuận hoạt động của Seven & i Holdings trong nửa đầu năm tài chính này.

Phía Alimentation Couche-Tard khẳng định sẽ không làm 7-Eleven Nhật Bản biến chất. 

“Chúng tôi vô cùng tôn trọng mức độ xuất sắc vượt trội của các cửa hàng Nhật Bản”, đại diện bên đề xuất thương vụ nói. 

Thông thường, các công ty nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc mua lại các cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản do phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và sở thích khác nhau của người tiêu dùng. Walmart từng mua quyền kiểm soát một chuỗi siêu thị Nhật Bản có tên là Seiyu vào đầu những năm 2000, song cuối cùng phải rút lui vào năm 2020 sau nhiều năm vật lộn để kiếm lợi nhuận. 

Vào một buổi chiều gần đây, Chigusa Okazaki, nhân viên văn phòng 51 tuổi, ghé vào một cửa hàng 7-Eleven ở Tokyo để mua bữa ăn nhẹ. Bà nói món ưa thích của mình là baumkuchen, một loại bánh có nguồn gốc từ Đức rất phổ biến ở Nhật Bản, bạch tuộc và bông cải xanh ướp trong nước sốt húng quế.

“Chất lượng của Seven không thể lẫn vào đâu được. Nếu bị mua lại, tôi có cảm giác mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tệ hơn”.

Tại Nhật Bản, bạn sẽ tìm thấy hàng trăm món ăn từ một cửa hàng 7-Eleven thông thường, từ salad, bánh sandwich đến các món cá, thịt bò và thịt gà. Các đối thủ cạnh tranh chính của họ là FamilyMart và Lawson, thường bán các sản phẩm tương tự.

Theo công ty, đồ ăn và đồ uống chiếm khoảng 2/3 doanh thu các cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản. Phần lớn được sản xuất độc quyền cho 7-Eleven tại 172 nhà máy trên khắp Nhật Bản, sau đó được đem giao 3 lần mỗi ngày. Các mặt hàng dễ hỏng phải được bán hết trong 1 hoặc 2 ngày.

Yuka Kobata, bà nội trợ 47 tuổi cho biết mình thường tìm đến 7-Eleven khi không thể nấu bữa tối. Bà sợ các giám đốc điều hành nước ngoài có thể khiến sự lựa chọn của bà bị cắt giảm. 

Chia sẻ với WSJ, Kobata cho biết các con bà thích cơm nắm tại 7-Eleven vì cơm rất dẻo. Công ty cho rằng một phần lý do đến từ kỹ thuật tạo hình cơm bằng máy chuyên dụng. 

Đối với salad khoai tây, 7-Eleven tin rằng phần ngon nhất của khoai tây nằm ngay dưới lớp vỏ, vậy nên đã quyết định hợp tác với một nhà sản xuất máy móc riêng để tạo ra chiếc máy gọt vỏ đặc biệt. Thiết bị chỉ được lắp đặt tại ba nhà máy Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, 7-Eleven “không chỉ kinh doanh bán lẻ”, chiến lược gia Masayuki Kubota của Rakuten Securities cho biết. “Đó là một hệ thống khổng lồ bao gồm phát triển sản phẩm, sản xuất và phân phối”, ông nói. 

Nhà cung cấp địa phương Meatpacker NH Foods chuyên làm món thịt bò xay cho 7-Eleven. Công ty cho biết suốt 15 năm qua đã phải phát triển một công thức mới mỗi năm, ngay cả khi sản phẩm đang bán chạy.

“Seven-san nói rằng món ăn càng ngon thì bạn càng dễ chán, vì vậy chúng tôi luôn cải tiến công thức mỗi năm”, Toshihiro Yoshikane của NH Foods cho biết.

Cả ban quản lý hiện tại của công ty mẹ 7-Eleven và phía bên mua tiềm năng đều thể hiện mong muốn mang chiến lược của chuỗi cửa hàng Nhật Bản đến Mỹ. Một số cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ hiện đã có cơm nắm và các loại thực phẩm theo phong cách Nhật Bản.

Thực tế, 7-Eleven khởi đầu là một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Mỹ, do Southland Corporation điều hành, tại Dallas vào năm 1927. Công ty mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1974 và bán các mặt hàng phổ biến của Mỹ, chẳng hạn như bánh hamburger. Thành công ngay lập tức được ghi nhận và chỉ trong vòng 2 năm, 7-Eleven đã mở rộng lên 100 cửa hàng. Năm 2005, 7-Eleven trở thành công ty do Nhật Bản sở hữu hoàn toàn thông qua một công ty mẹ có tên Seven & I.

Nhật Bản, cụ thể là 7-Eleven, từ lâu đã nằm trong tham vọng toàn cầu của Couche-Tard. Nếu thành công, đây sẽ trở thành thương vụ mua lại lớn nhất đối với một công ty Nhật Bản.

“Tất cả phụ thuộc vào giá cả và tôi đoán việc đồng yên yếu đã khiến thương vụ trở nên hấp dẫn hơn. Với bất kỳ mức giá nào trên 7 nghìn tỷ yên, ban quản trị Seven & I sẽ khó từ chối”, ông Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại công ty tư vấn đầu tư Asymmetric Advisors (Singapore), nhận xét. 

Theo: WSJ, Nikkei Asia

Bài liên quan

(0) Bình luận
‘Bảo vật quốc gia’ được trả giá 5.000 tỷ yên mà Nhật Bản không muốn bán: Phần lớn sản phẩm được sản xuất độc quyền, phía cung ứng phải đổi công thức mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO