Chiều 10/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội, tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Trong năm 2021, có hơn 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao.
Trong năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những thành tựu của Bảo hiểm xã hội trong năm 2021.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2021, trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, độ bao phủ bảo hiểm vẫn tăng lên, đây là thành công rất lớn. Đáng chú ý là đã vượt chỉ tiêu về chi trả chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt với hơn 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị.
Trong công tác quản lý các quỹ bảo hiểm an toàn, sử dụng quỹ đúng hướng, lãi suất tăng lên. Cụ thể, số dư của quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020, tiết kiệm 10-15% chi phí quản lý.
Đặc biệt, quỹ được Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng trên 86% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi các Ngân hàng thương mại Nhà nước xếp loại tốt; lãi suất đầu tư bình quân 4,8%, cao hơn 3% so với chỉ số lạm phát năm 2021.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên,vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện; khó khăn trong mở rộng độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng; việc giải quyết chế độ đối với người lao động trong trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội mà giải thể, phá sản hoặc chủ là người nước ngoài bỏ trốn còn vướng mắc; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế vẫn còn xảy ra…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam phân tích kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, vướng mắc nêu trên để đề ra và thực hiện các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, đẩy mạnh phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ bảo hiểm chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân, khuyến khích giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và chi trả không dùng tiền mặt.
Tiếp tục triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng chế độ bảo hiểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, lãng phí, trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế. Tập trung thu hồi các khoản chi sai mục đích, sai quy định, các khoản nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải quản lý các quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế an toàn, bền vững và hiệu quả, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm an sinh xã hội.