Báo cáo kiểm toán có thể ‘châm ngòi’ làn sóng cắt margin

Quỳnh Anh SM | 16:44 27/03/2023

Những quy định về cổ phiếu sẽ lập tức thi hành sau khi báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được công bố, dẫn đến nguy cơ tạo ra làn sóng cắt margin, bán giải chấp khiến nhà đầu tư không kịp chuẩn bị.

Báo cáo kiểm toán có thể ‘châm ngòi’ làn sóng cắt margin
Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền.

Nội dung chính:

  • Khi báo cáo kiểm toán được công bố, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập tức tiến hành các biện pháp cắt margin, đưa cổ phiếu các doanh nghiệp thua lỗ vào diện cảnh báo,... gây ra làn sóng bán giải chấp. 
  • Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và quý IV/2023 sẽ phản ánh rõ nét tác động từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước do chính sách điều hành thường có độ trễ tối thiểu 3-6 tháng.

Đầu tháng 1/2023, các doanh nghiệp đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Dự kiến từ cuối tháng 3, loạt báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sẽ dần lộ diện. 

Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, kết quả kiểm toán ra đời sẽ là lúc các chế tài theo quy định pháp luật được thực thi. 

“Nếu báo cáo tài chính quý IV/2022 do công ty tự lập ghi nhận kết quả thua lỗ thì những quy định về luật chứng khoán chưa được áp dụng. Phải đến khi có báo cáo kiểm toán chính thức, cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành các biện pháp như cắt margin, đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo,...” - ông Long cho biết. 

Cắt margin là việc hạn chế hoặc chấm dứt hoàn toàn việc giao dịch margin (ký quỹ - tức vay tiền để mua cổ phiếu) đối với một cổ phiếu nào đó. Thông thường mỗi quý, các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin và Báo cáo tài chính. Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ rà soát và công bố danh sách cổ phiếu bị cắt margin.

Ông Long cho rằng thực tế lợi nhuận của của các doanh nghiệp đã được công bố từ đầu năm nay nhưng nhà đầu tư thường không để ý những điều này. “Khi báo cáo kiểm toán được công bố, các công ty chứng khoán bắt đầu cắt margin, lệnh gọi ký quỹ (call margin), bán giải chấp (force sell) khiến nhà đầu tư trở tay không kịp.”

Năm 2019, một loạt công ty chứng khoán đã mất khả năng thu hồi vốn cho vay ký quỹ sau khi mã cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân bị đưa vào nhóm không được ký quỹ vì lợi nhuận âm. Làn sóng bán tháo ồ ạt, nhiều công ty chứng khoán không thể bán giải chấp cổ phiếu do “trắng” bên mua, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.  

“Mọi quyết định sẽ được triển khai ngay lập tức khi báo cáo kiểm toán được công bố, thay vì hồi tố hay có thêm thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị” - ông Long nói thêm

Chất lượng thông tin phụ thuộc vào đặc thù ngành 

Theo ông Long, những công ty lớn thường sẽ có chất lượng báo cáo tài chính tốt hơn nhưng chính đặc thù của ngành mới là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng thông tin trên báo cáo do chính doanh nghiệp công bố. Ví dụ, báo cáo tài chính của ngành ngân hàng phụ thuộc nhiều vào đánh giá và phân loại nợ xấu. 

Về cơ bản, xếp hạng công ty kiểm toán không giúp ích cho chất lượng báo cáo. 

“Càng xếp hàng có khi lại càng khiến chất lượng báo cáo kiểm toán kém đi. Vì sao? Vì nếu muốn tăng độ uy tín, doanh nghiệp sẽ có xu hướng chọn các công ty kiểm toán xếp hạng cao, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và nguy cơ xảy ra sự thỏa hiệp giữa các bên nhằm tránh ảnh hưởng đến thứ hạng của công ty.” - ông Long nhận định. 

Các công ty phải nâng cao năng lực kiểm soát và công bố các thông tin minh bạch để đảm bảo chất lượng báo cáo. Nếu doanh nghiệp không thực sự minh bạch, các công ty kiểm toán ở Việt Nam sẽ vấp phải nhiều giới hạn. Từ đó, rất khó để xây dựng một báo cáo tài chính chất lượng, cung cấp cho nhà đầu tư. 

“Trong lịch sử, năm nào cũng có sự sai lệch lớn giữa báo cáo doanh nghiệp tự lập và báo cáo được kiểm toán” - ông Long nói. 

Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo tài chính quý IV/2022 đã được công bố nên không còn ảnh hưởng lớn nhưng ông Long khẳng định hiện tại là thời điểm quan trọng, mang tính quyết định do ảnh hưởng của chính sách điều hành thường có độ trễ tối thiểu 3-6 tháng.

Đầu quý IV/2022, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất 2 lần liên tiếp. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp bắt đầu gặp nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, chi phí đầu vào và chi phí lãi vay tăng. Những yếu tố trên sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là báo cáo tài chính quý I/2023. 

“Nếu doanh nghiệp có kết quả không tốt mà vẫn cố gắng làm đẹp báo cáo thì chỉ được lợi từ tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Về lâu dài, hiện thực sẽ phản ánh vào báo cáo khiến kết quả ngày càng đi xuống, doanh nghiệp càng khó che giấu hơn” - ông Long cho biết. 

Theo ông Long, lợi nhuận không bền vững, nghĩa là không tạo ra nguồn tiền từ giá trị thật, sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó về thanh khoản, tác động tiêu cực đến kết quả những quý sau. 

Ngược về những năm 2020-2021, nhiều công ty trong nước có lợi nhuận chủ yếu từ việc đánh giá lại hàng tồn kho đến năm 2022-2023, kết quả kinh doanh sẽ kiệt quệ. 

“Báo cáo minh bạch là một phần quản trị để công ty hướng đến việc phát triển bền vững” - ông Long nhận định. 

Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: "Lộ diện" kết quả kinh doanh sau kiểm toán - Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Báo cáo kiểm toán có thể ‘châm ngòi’ làn sóng cắt margin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO