Bán nhà tương đương 6 tỷ đồng để mở nhà hàng nhượng quyền: Kinh doanh được 1 năm, tôi mất trắng 3 tỷ đồng và nhận ra "đời không như là mơ"

Đinh Anh | 14:55 18/05/2023

Sau tháng đầu kinh doanh với doanh thu lớn, Li Xin tự tin rằng chỉ cần sau 1 năm có thể hoàn vốn. Tuy nhiên, 1 năm sau, anh phải đóng cửa vì không thể bù lỗ

Bán nhà tương đương 6 tỷ đồng để mở nhà hàng nhượng quyền: Kinh doanh được 1 năm, tôi mất trắng 3 tỷ đồng và nhận ra "đời không như là mơ"

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Li Xin được chia sẻ trên nền tảng Toutiao, Trung Quốc

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đến Thâm Quyến, Trung Quốc để phát triển sự nghiệp. Đi làm được 5 năm, tôi cũng tiết kiệm được 150.000 NDT. Số tiền này tôi dự định dùng để xây nhà cho bố mẹ ở quê. Tuy nhiên do có tranh chấp với hàng xóm nên không thể khởi công. 

Vào thời điểm đó, ngay gần công ty tôi có một khu đất được rao bán. Đã sống ở Thâm Quyến được 20 năm, sếp khuyên tôi nên mua căn hộ này. Căn nhà không lớn, chỉ rộng khoảng 50m2, gồm 1 phòng khách và 2 phòng ngủ. Ngay lần đầu đến xem, tôi đã ưng ý với căn hộ này. 

Theo đó, căn hộ này có giá 500.000 NDT và được phép thanh toán trước 30%. Nhận thấy mức giá phù hợp, tôi chốt mua luôn. Tôi vay thêm 350.000 NDT với khoản thanh toán hàng tháng là 2.000 NDT. 

Kể từ khi mua nhà với gánh nặng nợ trên vai, tôi cảm thấy mình như một con người khác. Tôi lao vào kiếm tiền nhằm trả nợ và trang trải cuộc sống. Với sự chăm chỉ của mình, mức lương của tôi tăng dần qua từng năm. Đến năm 2019, tôi trở thành quản lý của bộ phận bán hàng với mức lương 20.000 NDT. 

Chật vật xin việc ở tuổi 35

Tuy nhiên khoảng thời gian này không kéo dài được lâu, năm 2020, tình hình kinh doanh của công ty sa sút. Đợt sa thải diễn ra trên toàn công ty. Tôi là người có tên trong danh sách này. 

Không còn cách nào khác tôi chấp nhận sự thật. Một tháng sau, tôi rời công ty đã gắn bó 13 năm với khoản bồi thường là 200.000 NDT (khoảng 669 triệu đồng). Sau khi nghỉ ngơi ở nhà một tháng để ổn định tâm lý, tôi bắt đầu nộp CV xin việc. Trong hồ sơ xin việc, tôi ghi mức lương mong muốn là 25.000 NDT. Tôi nghĩ mình có thể dễ dàng tìm được công việc với mức lương này với kinh nghiệm làm việc lên đến 13 năm. 

Song thực tế, mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Nộp hồ sơ vào hơn 10 công ty, tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào đi phỏng vấn. Lúc này tôi nghĩ rằng do mức lương đề xuất quá cao. Để phù hợp hơn, tôi đã đổi thành 20.000 NDT. Sau khi thay đổi, một tuần sau đó, tôi cũng không nhận được bất kỳ thông tin của công ty nào. 

Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi nhận được lời mời phỏng vấn. Tôi tham gia như bình thường nhưng sau 2 tuần không nhận được kết quả. Tôi liên hệ với bộ phận tuyển dụng, nhân viên xác nhận công ty cảm thấy tôi đã quá nhiều tuổi nên không phù hợp với vị trí này. 

Không nghĩ rằng người 35 tuổi lại khó khăn trong chuyện tìm việc đến thế, tôi tiếp tục nộp hồ sơ. Sau 1 tháng, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Nghỉ việc từ tháng 2 đến tháng 5 tôi vẫn không thể tìm được môi trường mới. 

Kế hoạch mở cửa hàng nhượng quyền 

Trong lần về quê nghỉ lễ, tôi gặp lại những người bạn cấp 3 của mình. Các bạn của tôi nói rằng một trung tâm thương mại sắp được mở ở quê và đang thu hút số lượng lớn các chủ nhà hàng muốn thuê mặt bằng để kinh doanh. Một người bạn trong lớp tôi đã thuê được gian hàng và dự định sẽ bán quần áo tại đây.  

Khi nghe được thông tin này, tôi khá hào hứng. Bởi người đồng nghiệp cũ của tôi sau khi nghỉ việc đã mở một nhà hàng ở trong trung tâm thương mại. Anh ấy kiếm được hàng chục nghìn NDT mỗi tháng, cao hơn so với mức lương văn phòng. 

Vì thế ngay sau đó, tôi đã liên hệ với trung tâm thương mại này để thuê mặt bằng mở một cửa hàng lẩu nhượng quyền. Gian hàng của tôi có diện tích 200m2 với mức giá thuê 30.000 NDT/tháng và phí quản lý tài sản 8.000 NDT/tháng. 

Sau khi hoàn tất thủ tục thuê mặt bằng, tôi lập tức liên hệ với chuỗi cửa hàng lẩu nhượng quyền. Chủ chuỗi lẩu cho biết phí nhượng quyền là 100.000 NDT (khoảng 334 triệu đồng). Sau nửa năm hoạt động, tôi phải trả chi phí quản lý quản thương hiệu là 8% doanh thu. 

Khi thấy tôi tỏ ra băn khoăn về khoản phí 8%. Người quản lý thương hiệu chấn an tôi bằng cách cho xem doanh thu của các cửa hàng thuộc hệ thống trong 6 tháng gần nhất. Hoạt động kinh doanh đều rất tốt.

Hôm đó về nhà, tôi đã làm phép toán về số tiền cần bỏ ra để kinh doanh cửa hàng ít nhất là 700.000 NDT. Tuy nhiên tôi đã xem xét tiền gửi ngân hàng của mình, chỉ còn lại 300.000 NDT, thiếu tận 400.000 NDT. Nhận thấy không có khả năng chi trả, tôi đã từ bỏ ý định mở cửa hàng. 

Tuy nhiên vài ngày sau, quản lý chuỗi cửa hàng lẩu lại tiếp tục hỏi tôi về dự định. Tôi đã nói thẳng với anh ấy rằng không đủ tiền để mở tiệm. Người này đề xuất tôi bán nhà để dồn tiền. 

Tôi không chút suy nghĩ và nhận thấy giá nhà đang tốt. Năm 2020, tôi đã bán căn nhà của mình với giá 2 triệu NDT (khoảng 6 tỷ đồng). Sau khi trả hết nợ ngân hàng, tôi còn lại khoảng 1,7 triệu NTD tiền mặt. 

Với số tiền này, tôi nóng lòng chốt tiền cọc mặt bằng. Sau đó, tôi cũng ký hợp đồng với chuỗi thương hiệu và trả phí nhượng quyền. Trong vòng 2 tháng, tôi đã đầu tư tổng cộng 700.000 NDT vào đây bao gồm cả tiền sửa chữa, trang trí và mua bán nguyên liệu, đồ dùng. 

Mất trắng 3 tỷ đồng sau 2 năm kinh doanh   

Khi trung tâm thương mại chính thức đón khách, cửa hàng của tôi cũng khai trương cùng ngày. Ngay ngày đầu, khách đến cửa hàng của tôi phải xếp hàng lấy số mới đến lượt. Sau khi chứng kiến sự bùng nổ trong kinh doanh, tôi cảm thấy mình như đang trong giấc mơ.

Trong tháng đầu tiên, trừ hết chi phí, tôi đã kiếm được 50.000 NDT. Lúc này tôi đã tính, chỉ cần kinh doanh khoảng 1 năm là có thể hoàn vốn. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu, sang đến tháng thứ 3, lượng khách đến cửa hàng giảm dần. Lúc này tôi chỉ còn kiếm được 10.000 NDT. Đến tháng thứ 4, việc kinh doanh của cửa hàng thậm chí còn tồi tệ hơn, không lãi một đồng. 

Lúc này tôi thầm nghĩ: "Thà làm nhân viên, không phải chịu rủi ro gì còn hơn làm ông chủ thế này". Đến tháng thứ 5, tôi ở lại cửa hàng mỗi ngày nhằm cố gắng quản lý công việc kinh doanh. Do người đến trung tâm thương mại cũng giảm dần nên cửa hàng cũng chẳng còn khách. 

Đến tháng thứ 7, hoạt động kinh doanh vẫn vậy. Sau khi trả tiền thuê nhà và tiền lương cho nhân viên tôi không bỏ túi được xu nào. Trong khi đó tôi vẫn phải trả 28.000 NDT cho thương hiệu tiền phí nhượng quyền 8%/tháng. 

Đến cuối năm 2020, tôi rơi vào lỗ 20.000-30.000 NDT/tháng. Kiên trì mãi nhưng không thể mang lại kết quả gì. Đến đầu năm 2021, không thể cầm cự được nữa, tôi quyết định đóng cửa hàng. Theo tính toán, ngoài khoản đầu tư và thêm những tháng bù lỗ, tôi đã mất đến 900.000 NDT (khoảng 3 tỷ đồng) trong vòng 1 năm.

Sau đó, tôi buộc trở lại Thẩm Quyến để làm việc, khi đã 37 tuổi. Không có nhiều sự lựa chọn, tôi chấp nhận làm một công việc 8.000 NDT. Không còn nhà, tôi buộc phải thuê phòng và bắt đầu lại từ con số 0. 

Theo Toutiao 


(0) Bình luận
Bán nhà tương đương 6 tỷ đồng để mở nhà hàng nhượng quyền: Kinh doanh được 1 năm, tôi mất trắng 3 tỷ đồng và nhận ra "đời không như là mơ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO