Bàn giao 125 doanh nghiệp lớn về Tổng cục Thuế quản lý

Linh Khang | 01:13 28/12/2021

Từ năm 2022, 125 doanh nghiệp có số thu chiếm tới 17% tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý sẽ được bàn giao về cho Cục Thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế quản lý.

Bàn giao 125 doanh nghiệp lớn về Tổng cục Thuế quản lý
Tính đến ngày 25/12/2021 tổng thu ngân sách Nhà nước từ 125 doanh nghiệp này trên 200 nghìn tỷ đồng.

Trong số 125 doanh nghiệp này có 59 doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp nhà nước; 37 doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng thương mại, Công ty bảo hiểm và thị trường tài chính khác; 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, 125 doanh nghiệp này là các doanh nghiệp đại diện, đứng đầu trong những ngành lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế đất nước, có đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Tính đến ngày 25/12/2021 tổng thu ngân sách Nhà nước từ 125 doanh nghiệp này trên 200 nghìn tỷ đồng, bằng 17% tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý, tăng 3% so với cả năm 2020.

Ông Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là các khách hàng lớn, quan trọng của ngành Thuế và việc đưa các doanh nghiệp lớn về một đơn vị tại cơ quan thuế cấp Trung ương trực tiếp quản lý là để ngành Thuế có thể hỗ trợ, phục vụ tốt hơn nữa nhóm khách hàng quan trọng này.

Việc đưa doanh nghiệp lớn về Trung ương quản lý sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước, không tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ngược lại, với việc Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý, sẽ không bị giới hạn trong phạm vi một tỉnh, thành phố mà sẽ có thông tin tổng thể hoạt động của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, qua đó sẽ tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp quy định và hoạt động của các doanh nghiệp lớn, hướng đến mục tiêu thực hiện cải cách thủ tục hành chính tối đa, chính sách thuế đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện, tiết giảm chi phí, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, đây là mô hình mới nên cần phải có những bước hoàn thiện. Trước hết, Cục Thuế doanh nghiệp lớn là một cơ quan quản lý thuế, vì vậy phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ như các cơ quan quản lý thuế khác, không tạo thêm thủ tục hành chính, và phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ngày từ đầu năm 2022 việc chuyển giao quản lý thuế đối với 125 doanh nghiệp này giữa Cục Thuế doanh nghiệp lớn với các Cục thuế địa phương cần được thực hiện ngay. Cùng với đó là phải giải quyết mối quan hệ giữa Cục Thuế doanh nghiệp lớn với các cơ quan tài chính và Kho Bạc Nhà nước ở trung ương cũng như tại địa bàn các tỉnh, thành phố trong khâu kê khai, thu nộp chứng từ...cần thông suốt.

Ngoài ra cần lưu ý câu chuyện quản lý và phân chia nguồn thu trên địa bàn cho phù hợp đảm bảo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và luật Quản lý thuế. Nhất là năm 2022 đã trình tổng thu ngân sách Nhà nước và đã phân chia cho địa phương thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

“Đây là cải cách nên quá trình thực hiện cần triển khai từng bước, thận trọng; vừa triển khai, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ; chủ động trong công việc theo phân công, phân cấp quản lý trong công tác quản lý thuế theo quy định”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bàn giao 125 doanh nghiệp lớn về Tổng cục Thuế quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO