‘Bà trùm’ đầu cơ BĐS Trung Quốc: Từng là công nhân thuộc diện cắt giảm, phải xin phân nhà ở xã hội, nay sở hữu khối tài sản hàng chục triệu NDT

Vũ Anh | 16:30 28/06/2023

Thị trường BĐS Trung Quốc giai đoạn 2007-2016 đã giúp người phụ nữ này đổi đời.

‘Bà trùm’ đầu cơ BĐS Trung Quốc: Từng là công nhân thuộc diện cắt giảm, phải xin phân nhà ở xã hội, nay sở hữu khối tài sản hàng chục triệu NDT
Hình minh họa

Ahua là một nhà đầu cơ bất động sản. Bà dấn thân vào thị trường từ năm 1998 sau khi bị công ty cũ sa thải, để rồi giờ đây sở hữu khối tài sản hàng chục triệu NDT, theo qq. 

Giai đoạn từ 2007 đến năm 2016 là thời kỳ hoàng kim của Ahua - cái thời giá nhà ở Bắc Kinh tăng 400%. Một ngày của Ahua theo đó vô cùng bận rộn vì phải xử lý cùng lúc rất nhiều hợp đồng. 

Đến cuối năm 2016, Trung Quốc đề xuất “nhà ở nên để ở, không phải để đầu cơ”. Lợi nhuận khủng từ bất động sản trở thành dĩ vãng, trong khi hoạt động đầu tư và định cư nước ngoài âm thầm trỗi dậy. Nhiều nhà đầu cơ nhanh chóng tiếp cận thị trường các khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia… chỉ để giành lấy cho mình một vị thế. 

“Tương lai nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Đông Nam Á. Mua nhà ở Đông Nam Á bây giờ tương đương với việc đầu tư vào Bắc Kinh 10 năm về trước”, bà Ahua nhớ lại câu nói nổi tiếng khi đó. 

Chia sẻ với qq, bà Ahua cho biết mình gia nhập thị trường bất động sản nước ngoài vào năm 2017. Người phụ nữ này sau đó liên tiếp mua nhà ở Chiang Mai, Thái Lan, Kuala Lumpur, Malaysia và Dragon Mart, Dubai… để gia tăng tài sản. 

Câu chuyện dài bắt đầu từ một nữ công nhân bị sa thải 25 năm về trước. Doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu và Ahua nằm trong số 30.000 người bị cắt giảm việc làm. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai người chồng. 

Năm 1998, khi cải cách nhà ở được phát động, Ahua lần đầu tiên tiếp cận các tin tức về bất động sản, sau đó một mình nộp đơn xin phân bổ nhà ở xã hội. Ngày lá đơn được phê duyệt, bà được nếm ‘vị ngọt’ đầu tiên do thị trường bất động sản mang lại.

‘Hũ vàng’ bà Ahua kiếm được tiếp theo đến từ căn nhà gỗ ở thị trấn Đại Đồn, nơi sau này trở thành Làng Đại hội thể thao châu Á. Việc Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai Á vận hội và phải đầu tư xây dựng 16 căn hộ cho vận động viên và khách sạn Continental đã khiến căn nhà Ahua mua tại thị trấn tăng giá khủng khiếp.

Nhớ lại trước đây, Ahua kể ban đầu không hề đủ tiền mua căn nhà gỗ. Căn rẻ nhất làng Á vận hội có giá 100.000 NDT, trong khi bà chỉ có trong tay 50.000. Để kiếm được 50.000 NDT còn lại, bà đã phải bán thêm hàng tạp hóa vào ban đêm, chẳng hạn như dép, tất, kem đánh răng và bàn chải.

Ngôi làng nhỏ năm xưa trong nháy mắt biến thành khu đô thị đầy rẫy những tòa nhà cao tầng. Ahua nhớ lại rằng vào năm 2000, giá trung bình căn nhà ở thương mại xung quanh Làng Đại hội thể thao châu Á rơi vào khoảng 3.700 NDT/m2. Ngày nay, giá của chúng đã tăng lên 80.000-90.000 NDT/m2 (gần 300 triệu đồng), tức tăng 23 lần. Mười năm điên cuồng đầu cơ bất động sản, giá trị tài sản ròng của bà Ahua đã có lúc tăng vọt lên hơn 50 triệu NDT (hơn 160 tỷ đồng). 

Từ năm 2007 đến 2016, nhóm đầu cơ tập trung rót tiền vào bất động sản ngắn hạn, vào nhanh ra nhanh. Làn sóng những người này trong đó có Ahua - người phụ nữ có hiểu biết sâu sắc về thành phố, nhanh chóng muốn mở rộng tài sản và trở thành nhóm người tích cực nhất trong thị trường nhà ở mới.

Thời đại đó không có thương mại điện tử, cũng không có marketing. Các chuyên gia tư vấn bất động sản muốn bán nhà chỉ có thể dựa vào truyền miệng và tích lũy mối quan hệ. Từ khoản lãi đầu tiên, sự tự tin của Ahua tăng lên rất nhiều. Bà đặt mục tiêu tăng giá 30-45%, sau đó bán sang tay và nhanh chóng tìm kiếm mục tiêu mới, từ nhà nhỏ đến biệt thự. 

“Tôi mua nhà theo thị trường”, bà Ahua nói. 

Tất nhiên, con đường đầu cơ bất động sản không phải chuyện một sớm một chiều. Chẳng hạn, vào giữa những năm 2010, cả nước xây dựng hơn 7 triệu căn hộ mỗi năm. Bất động sản nhanh chóng trở thành “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm 25% GDP và tạo ra rất nhiều việc làm, hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản, chính phủ nước này thẳng tay trừng phạt các nhà phát triển nợ nần chồng chất và tuyên bố rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Một số ngôi nhà bà Ahua mới mua đã “sập bẫy”. 

“Nhà ở không dễ bán. Tại sao bạn không mua một cửa hàng bán lẻ, sau đó cho thuê lại hoặc bán sang tay”, một người bạn gợi ý cho bà Ahua. 

Trong 10 năm sau đó, Ahua thử nhiều cách tiếp cận khác nhau và liên tiếp mua hơn 10 bất động sản ở Guomao, Chaoyang Beiyuan, Changping Huilongguan, Fangshan Changyang, Daxing Xihongmen và những khu vực khác. Cuối năm 2016, sau khi đề xuất “không nên đầu cơ nhà ở” được đưa ra, bà quyết định “rửa tay gác kiếm” với lý do “quá mệt mỏi để bận tâm”. 

Hiện tại, Ahua, một nữ công nhân từng bị sa thải, đang sở hữu 9 bất động sản và 3 cửa hàng ở Bắc Kinh. Người phụ nữ này còn sở hữu 1 khu nhà ở thương mại ở Quảng Châu, Thâm Quyến và 3 bất động sản ở nước ngoài.

Năm 2017, thị trường bất động sản Thái Lan “nóng” dần, đặc biệt là ở Bangkok. Thay vì chọn mua ở thủ đô, Ahua tin tưởng Chiang Mai, nơi tương đối ít được ưa chuộng. “Tôi đã mua một căn hộ và cho thuê lại. Lợi nhuận khá tốt”, Ahua kể, sau đó cho biết  giá bất động sản ở Chiang Mai vào năm 2018 đã tăng khoảng 8% -10%. 

Ahua tiếp tục bén duyên với Kuala Lumpur vào năm 2019. Bà mua một căn hộ rộng 89 m2, sau đó cho thuê lấy tiền hàng tháng. Số liệu cho thấy trong nửa đầu năm 2018, tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào bất động sản Kuala Lumpur đạt 13,6%, đứng đầu châu Á.

Bất chấp chu kỳ đi xuống của thị trường, Ahua tự nhận mình là một phụ nữ may mắn. Bà thừa nhận con đường làm giàu nhờ đầu cơ một phần là do ăn may và vì vậy, khuyên những người trẻ không nên rót tiền một cách mù quáng.

Theo: qq, The New York Times 


(0) Bình luận
‘Bà trùm’ đầu cơ BĐS Trung Quốc: Từng là công nhân thuộc diện cắt giảm, phải xin phân nhà ở xã hội, nay sở hữu khối tài sản hàng chục triệu NDT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO