Từ cuối tháng 6, tỷ giá đã liên tục tăng lên. Tính đến hôm nay 06/07, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lên mức 23.828 VND/USD, tăng 201 VND/USD so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 26 VND/USD.
Tại 4 ngân hàng thương mại lớn BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, giá mua vào của 1 USD bình quân là 23.587 VND, tăng gần 196 VND/USD so với cuối tháng 6; bán ra là 23.898 VND, tăng hơn 145 đồng. Nhìn chung, từ sau lần hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 hồi giữa tháng 6 vừa qua, tỷ giá đang bắt đầu tăng nhanh hơn.
Về xu hướng vận động của tỷ giá thời gian vừa qua, ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng SSI, tại chương trình “Bí mật đồng tiền mùa 2 - Số 17: Ước gì, giá như, kỳ vọng”, phát sóng trên các nền tảng VTV Digital cho biết, từ cuối tháng 6 đầu tháng 7, tỷ giá đã có chịu không ít áp lực và đồng nội tệ đã có một số dấu hiệu trượt giá. Sức ép này chủ yếu đến từ việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành, trong khi các quốc gia khác vẫn chưa ngừng việc thắt chặt tiền tệ. Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cũng là một trong những tác nhân góp phần không nhỏ thúc đẩy tỷ giá tăng nhanh.
“Thông thường, quý 3 là khoản thời gian tỷ giá gặp nhiều áp lực hơn bình thường. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm nay, tỷ giá đã có chịu không ít áp lực và đồng nội tệ đã có một số dấu hiệu trượt giá. Tuy nhiên, điểm tốt ở thời điểm này là thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng đã bù đắp và giảm được một phần áp lực. Nhìn chung, trong năm nay, tiền Việt có thể sẽ yếu hơn, song mức độ mất giá là không quá nhiều”, ông Hưng nhận định.
Về khả năng hạ lãi suất điều hành một lần nữa, kinh tế trưởng SSI cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang để ngỏ khả năng tăng lãi suất đến 2 lần trong nửa cuối năm 2023. Mặt khác, tỷ giá đã xuất hiện một số áp lực. Đồng thời, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động, cho vay đã giảm tương đối nhiều. Do đó, vẫn có khả năng trong nước sẽ có một đợt giảm lãi suất điều hành, song sẽ cần cân đối với bối cảnh vĩ mô và thời điểm thích hợp/
“Tôi nghĩ hiện giờ quan trọng là tìm giải pháp để các doanh nghiệp có đầu ra và quay lại vay vốn từ phía ngân hàng. Mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều và theo tôi là đã tương đối hợp lý. Lãi suất điều hành không nhất thiết phải giảm ngay, có thể sẽ vào cuối quý 3 hoặc quý IV, tùy diễn biến thế giới”, ông Hưng đánh giá.
Ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) trong khuôn khổ chương trình cũng bổ sung, dù đã có nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ, song mức độ thẩm thấu vẫn chưa sâu. Vẫn cần có những chính sách khác, tập trung vào nội tại tăng hiệu quả và năng suất sản xuất.
“Chúng ta cố ép tiền vào lưu thông, nhưng các đối tác nhập khẩu chính vẫn đang rất yếu. Do đó, ngoài những chính sách tài khóa và tiền tệ hiện tại, tôi nghĩ còn những biện pháp khác như đẩy nhanh thủ tục giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics, hỗ trợ về mặt pháp lý hoàn thiện các thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp”, ông Tốt khuyến nghị.
Giám đốc Đầu tư của SSIAM dự báo trong 6 tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng mạnh hơn, song khó có thể đạt được mức 14-15% như kỳ vọng của nhà điều hành.