Nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước giữa lúc lượng mưa ít khiến năng suất mía giảm, Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường của niên vụ kế tiếp. Đây là quyết định tạm ngừng xuất khẩu đầu tiên sau 7 năm ở quốc gia Nam Á.
Ấn Độ là nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 trong niên vụ 2021 - 2022 và thứ 3 trong niên vụ 2022 - 2023, chiếm lần lượt 15% và 12% tổng lượng đường xuất khẩu trên toàn thế giới.
Với bối cảnh như trên, Tổ chức Đường Quốc tế - ISO Sugar cũng hạ dự báo thặng dư đường toàn cầu vụ 2022 - 2023 xuống chỉ còn 493 nghìn tấn và dự báo vụ 2023 - 2024 tiếp tục thiếu hụt hơn 2 triệu tấn. Ngoài ra, việc giá dầu tăng trở lại cũng làm tăng mức độ hấp dẫn của sản xuất Ethanol, gián tiếp gây áp lực lên nguồn cung đường.
Trong niên vụ này, Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường, giảm gần một nửa so với vụ mùa trước đó. Điều này đã khiến cho giá đường trên thị trường tăng mạnh.
Thực tế, giá đường thô thế giới đang ở mức gần 27 cents/lb và giá đường RS tại Việt Nam đã đạt mốc 22.000 đồng/kg, đều tăng hơn 30% so với đầu năm.
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) được đánh giá là sẽ hưởng lợi lớn khi giá đường tăng mạnh như thời điểm hiện tại.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh trong 8 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận trước thuế 1.530 tỷ đồng, tăng 73%. Trong đó, hoạt động của các mảng chính là mía đường có sản lượng tiêu thụ 160.000 tấn, tăng gấp đôi và doanh thu ước đạt 2.930 tỷ đồng (tăng 118%). Với cả giá bán và sản lượng tăng mạnh thì lợi nhuận trước thuế đạt 670 tỷ đồng, tăng 335%.
Với sữa đậu nành, sản lượng tiêu thụ của công ty là 162 triệu lít, giảm 11% và doanh thu đạt 2.760 tỷ đồng (giảm 8%). Tuy vậy, nhờ giá bán bình quân tăng và giá đầu vào bắt đầu giảm, lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 550 tỷ đồng, tăng 3%.
Dự báo lợi nhuận 2023 của Đường Quảng Ngãi, Công ty chứng khoán Bảo Việt ( BVSC) cho biết, lợi nhuận có thể tăng 50,4%. Với đà tăng trưởng ấn tượng của mảng đường, BVSC nâng dự báo doanh thu năm 2023 của công ty này sẽ đạt 10.921 tỷ đồng (tăng 32,3%) và lợi nhuận sau thuế 1.935 tỷ đồng (tăng 50,4%).
"Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng lợi nhuận 2024 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, ước tăng thêm 10% so với năm 2023 nhờ giá đường tốt và biên lợi mảng sữa đậu nành mở rộng nhờ giá đậu đầu vào giảm. Dự báo năm 2024 với doanh thu 11.598 tỷ đồng (tăng 6,2%) và lợi nhuận sau thuế 2.129 tỷ đồng", BVSC nhận định.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ XX với 2 sản phẩm chính là Đường RS và Cồn. Tại thời điểm này, số lao động của công ty là khoảng 650 người.
Đến năm 2005, công ty cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước Công ty Đường Quảng Ngãi và chuyển doanh nghiệp Nhà nước Công ty Đường Quảng Ngãi thành Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. 2 năm sau đó, công ty trở thành công ty đại chúng.
Đến năm 2016, Đường Quảng Ngãi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh với mã QNS. Tại thời điểm ngày 30/6/2023, công ty có 16 đơn vị trực thuộc và 1 công ty con, vốn điều lệ là hơn 3.569 tỷ đồng.
Đường Quảng Ngãi hiện có Nhà máy đường An Khê, công suất ép mía đạt 18.000 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện có công suất 1.000 tấn đường/ngày. Nhà máy Phổ Phong tại tỉnh Quảng Ngãi với vùng nguyên liệu 2.500 ha và có năng suất 60 tấn/ha. Hai vùng trồng mía đang cung cấp khoảng 2 triệu tấn mía/năm.
Doanh nghiệp này có diện tích mía đường lớn thứ hai (30.000 ha) và chiếm 13% thị phần đường cả nước.
Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi còn vận hành dây chuyền sản xuất đường tinh luyện (RE), công suất 1.000 tấn/ngày, để sản xuất các sản phẩm như nước giải khát có ga và bánh kẹo cao cấp.