Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia, ở thành phố Cartagena (Colombia), cho biết ông đã sử dụng công cụ AI để đặt ra các câu hỏi pháp lý và đưa chúng vào quyết định của mình.
Theo tài liệu của tòa án, vụ việc liên quan đến tranh chấp với một công ty bảo hiểm y tế về việc liệu một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có được bảo hiểm để điều trị y tế hay không.
Các câu hỏi pháp lý được đưa vào công cụ AI bao gồm “Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn trả phí cho các liệu pháp của họ không?” và “Liệu cơ quan tài phán của tòa án hiến pháp có đưa ra các quyết định có lợi cho các trường hợp tương tự không?”.
ChatGPT đã trả lời: “Vâng, điều này hoàn toàn hợp lệ. Theo luật pháp Colombia, trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ được miễn trả phí trong toàn bộ liệu pháp điều trị”.
Chatbot thậm chí dẫn luật số 1753, bộ luật năm 2015 của Colombia về quyền lợi được áp dụng cho toàn bộ cơ sở y tế dù công hay tư. Câu trả lời của ChatGPT cũng được ghi lại trong hồ sơ tòa án và thẩm phán Garcia đã ra phán quyết rằng công ty bảo hiểm phải chi trả toàn bộ chi phí cho người bệnh.
Tuy nhiên, thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia khẳng định ChatGPT và các chương trình AI sẽ giúp ích trong việc soạn thảo các văn bản pháp lý nhưng không thể thay thế các thẩm phán.
Ông nói: “Mục đích của việc bao gồm các văn bản do AI tạo ra này không phải là để thay thế quyết định của thẩm phán”.
Ông nhấn mạnh mặc dù tham khảo ý kiến từ AI, ông vẫn là thẩm phán, vẫn suy nghĩ và có quan điểm riêng của mình. Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia cho rằng ChatGPT không đe dọa hệ thống pháp luật hiện tại mà sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thẩm phán.
Luật pháp Colombia không cấm sử dụng AI trong các quyết định của tòa án, nhưng các hệ thống như ChatGPT nổi tiếng là đưa ra các câu trả lời thiên vị, phân biệt đối xử. Điều này là do mô hình ngôn ngữ không thực sự hiểu về văn bản, công cụ chỉ tổng hợp câu trả lời dựa trên hàng triệu ví dụ được sử dụng để huấn luyện hệ thống.
Người tạo ra ChatGPT, OpenAI, đã triển khai các bộ lọc để loại bỏ một số câu trả lời không tốt. Nhưng các nhà phát triển vẫn cảnh báo rằng công cụ này vẫn có những hạn chế đáng kể và không nên được sử dụng để đưa ra quyết định.
Đây là lần đầu tiên một thẩm phán thừa nhận sử dụng trình tạo văn bản AI như ChatGPT để tham khảo ý kiến. Mặc dù vậy, việc sử dụng các hệ thống này tại tòa án vẫn bị chỉ trích.
ChatGPT là gì?
ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ sau 5 ngày, đã có hàng triệu người dùng đăng ký công cụ này. ChatGPT được đánh giá là ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.
Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content…
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng ‘ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google’. Trước đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói ‘không có gì phải lo lắng’. Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt ‘quay xe’ và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này. Thậm chí, ngay trước lễ Giáng Sinh, Sundar Pichai, CEO của Google, đã vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.
Ngay sau đó, Microsoft đã báo kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI. Microsoft được cho là đang lên kế hoạch tung ra một tính năng Bing kết hợp công nghệ đằng sau ChatGPT. The Information cho biết, tính năng trên Bing nhằm mục đích cung cấp cho người dùng câu trả lời cho một số tìm kiếm thay vì chỉ hiển thị các liên kết có liên quan.
Tổng hợp: Vice, Daily Mail