Không lâu trước đây, các sếp doanh nghiệp thường ca ngợi nhân viên là tài sản quý giá nhất – đến mức có người còn tuyển người mới về dù chưa có việc cụ thể cho họ làm. Nhưng ngày nay, khi nền kinh tế phủ đầy dấu hỏi lớn, các lãnh đạo doanh nghiệp không ngần ngại tuyên bố thẳng thắn: Nhân viên cần làm việc chăm chỉ hơn, phàn nàn ít đi và biết ơn vì vẫn còn việc làm.
“Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là vấn đề của bạn”, Emma Grede – đồng sáng lập hãng đồ định hình Skims và CEO thương hiệu thời trang Good American – tuyên bố trong tháng này.
Sau khi cắt giảm hơn 1.000 nhân sự, CEO Starbucks Brian Niccol nói với đội ngũ còn lại rằng họ cần nỗ lực hơn và “chịu trách nhiệm xem liệu công ty có phát triển hay không”. Còn Jamie Dimon – CEO JPMorgan – trong một cuộc họp nội bộ đầy lời lẽ gay gắt, nói thẳng với những ai than phiền về việc phải quay lại văn phòng: “Tôi không quan tâm”.
“Tôi chịu đủ rồi”, Dimon nói. “Tôi làm việc bảy ngày một tuần kể từ khi Covid bắt đầu, tôi vẫn đến công ty – thế còn mọi người đâu cả rồi?”
Sự thay đổi trong giọng điệu cho thấy cán cân quyền lực đang nghiêng về phía các công ty, trong bối cảnh họ thu hẹp lực lượng lao động văn phòng. Khi việc làm trở nên khó tìm hơn, nhiều người lao động buộc phải chứng kiến quyền lợi bị cắt giảm, còn những lời phàn nàn thì bị phớt lờ.
Trong một cuộc họp toàn công ty đầy căng thẳng tại Uber hồi tháng trước, giọt nước tràn ly khi ban lãnh đạo thông báo kéo dài thời gian làm việc cần thiết để được nghỉ phép một tháng có lương từ 5 năm lên 8 năm.
Ngoài ra, yêu cầu nhân viên đến văn phòng ít nhất 3 ngày mỗi tuần, thay vì 2, cũng gây bức xúc. CEO Dara Khosrowshahi phản ứng bằng thái độ cứng rắn: “Chúng tôi hiểu rằng một số thay đổi này sẽ không được lòng mọi người. Nhưng đó là rủi ro mà chúng tôi chấp nhận”, ông phát biểu.
SẾP NGÀY CÀNG “CỨNG”
Các CEO ngày nay có còn nhiều "dư địa" để nói thẳng với nhân viên không? Hãy nhớ lại làn sóng phẫn nộ năm 2023 khi CEO công ty nội thất MillerKnoll bảo các nhân viên lo lắng về tiền thưởng: “Hãy dẹp cái sự thương hại đó đi!” – phát ngôn trong một cuộc họp video đã lập tức lan truyền và khiến bà phải lên tiếng xin lỗi vì sự vô cảm.
Nhưng tại Uber, sau khi nhân viên phàn nàn, Giám đốc Nhân sự Nikki Krishnamurthy còn gửi ghi chú nội bộ thông báo sẽ có các buổi làm việc riêng với những người bị đánh giá là “thiếu tôn trọng”.
Donnie Donselman – từng làm việc cho một công ty dịch vụ công nghệ – cảm nhận rõ sự thay đổi quyền lực. Khi ứng tuyển công việc mới, người đàn ông 47 tuổi nhận thấy nhiều công ty yêu cầu ứng viên đảm nhận quá nhiều vai trò – gần như là “ba công việc trong một”.
“Họ muốn có tất cả”, anh nói.
Donnie chia sẻ rằng anh cố gắng đánh giá văn hóa doanh nghiệp khi nộp đơn vì thấy ngôn ngữ lạnh lùng từ các CEO ngày càng phổ biến và khiến anh lo ngại. “Mọi người bị đẩy vào sợ hãi. Mà như vậy thì không thể có kết quả tốt được”, anh nói từ nơi ở gần Lexington, bang Kentucky.
XA CÁCH
Theo Michael McCutcheon – giảng viên tâm lý ứng dụng tại Đại học New York kiêm huấn luyện viên điều hành – đằng sau sự cứng rắn của giới CEO là một sự đứt gãy ngày càng lớn giữa nhân viên và lãnh đạo.
Nhiều nhân viên vẫn hành xử như đang ở năm 2021 – thời điểm họ có thể ra điều kiện vì thị trường thiếu hụt lao động và làn sóng nghỉ việc tăng mạnh. Nhưng nay, trước chiến tranh thương mại toàn cầu và niềm tin tiêu dùng suy giảm, các lãnh đạo cảm thấy buộc phải yêu cầu nhân viên làm nhiều hơn để công ty tồn tại.
“Đây là vấn đề của sự thực dụng”, McCutcheon nói.
Tổng thống Trump cùng cố vấn tỷ phú Elon Musk cũng góp phần tạo nên làn sóng lãnh đạo cứng rắn hơn khi theo đuổi kế hoạch cắt giảm lực lượng lao động liên bang. “Ai cũng có thể thay thế được”, ông Trump nói không lâu sau khi nhậm chức. Musk thì gọi yêu cầu gửi email báo cáo công việc hàng tuần là “kiểm tra mạch sống” để xem nhân viên liên bang có làm việc hay không.
Công nghệ AI thế hệ mới cũng góp phần đẩy mạnh xu hướng này. CEO Shopify – Tobias Lütke – vừa yêu cầu rằng: Công ty sẽ không tuyển dụng ai trừ khi quản lý chứng minh được AI không thể làm công việc đó. CEO Fiverr – Micha Kaufman – cảnh báo thẳng trong thư nội bộ: “AI đang đe dọa công việc của bạn. Nó thậm chí đang nhắm đến cả công việc của tôi. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh. Những ai không thức tỉnh và hiểu rõ thực tại mới thì đáng tiếc, sẽ bị đào thải”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Charles A. O’Reilly tại Đại học Stanford, một ngày nào đó, người lao động sẽ lại có tiếng nói. “Khi thị trường xoay chiều và cơ hội việc làm lại dồi dào, các CEO sẽ lại nói về việc nhân viên quan trọng ra sao – và nhân viên sẽ tận dụng điều đó”, ông nói.
Còn hiện tại, một số lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng cắt giảm nhân viên văn phòng sẽ giúp vận hành hiệu quả hơn. Mới nhất, Match Group – công ty sở hữu ứng dụng hẹn hò Tinder và Hinge – thông báo sẽ sa thải diện rộng, cắt giảm khoảng 1/5 lực lượng quản lý. CEO Spencer Rascoff nói với nhà đầu tư rằng công ty đang đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm chi phí và tái cấu trúc để tập trung vào sản phẩm.
Theo: WSJ