ACV: Lợi nhuận quý III lập đỉnh, nợ xấu cao gấp 10 lần cùng kỳ

Lâm Tùng | 07:09 01/11/2023

Doanh thu quý III của ACV tăng vọt, vượt 5.300 tỷ đồng nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi. Nợ xấu của ACV cao gấp 10 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 15%.

ACV: Lợi nhuận quý III lập đỉnh, nợ xấu cao gấp 10 lần cùng kỳ
5.328 tỷ đồng là doanh thu cao nhất mà ACV đạt được trong một quý.

Nội dung chính:

  •  Doanh thu của ACV tăng 27% so với cùng kỳ do thị trường hàng không quốc tế phục hồi, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 57% lên 63%.
  • Dự phòng nợ phải thu khó đòi của ACV trong quý III lên tới 680 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ, khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng 15%.  

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV, UPCoM:ACV) vừa công bố BCTC quý III với doanh thu 5.328 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt mức 2.764 tỷ đồng. 

Đây là mức doanh thu cao nhất mà ACV đạt được trong một quý. 

Theo giải trình của doanh nghiệp, doanh thu tăng trưởng trong quý III so với cùng kỳ chủ yếu do thị trường hàng không quốc tế phục hồi. 

Biên lợi nhuận gộp của ACV cải thiện từ mức 57% của quý III năm 2022 lên 63% trong quý III năm nay.

Lũy kế 9 tháng, ACV đạt doanh thu 14.985 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 20%, đạt 7.007 tỷ đồng.

Thực tế, thị trường hàng không quốc tế bắt đầu phục hồi từ quý I/2022 sau đại dịch Covid -19 kéo dài, giúp doanh thu và lợi nhuận của ACV tăng vọt. 

Sang năm 2023, theo thống kê của Cục Hàng không, trong 9 tháng, các cảng hàng không, sân bay trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so cùng kỳ năm trước. Đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng này là khách quốc tế, khi số lượng đạt 23,7 triệu người, tăng 266,8%. Lượng khách nội địa giảm 3,6%, còn 65,2 triệu khách.

Tương tự ACV, các hãng hàng không Việt Nam cũng tăng trưởng doanh thu từ hoạt động vận tải, trong đó có vận chuyển hành khách quốc tế. Thống kê từ BCTC của VietJet và Vietnam Airlines cho thấy trong 9 tháng, doanh thu từ vận tải hàng không của 2 hãng này đã tăng 54% so với cùng kỳ năm trước - tương đương mức tăng doanh thu của ACV trong cùng thời kỳ. 

Doanh thu và lợi nhuận của ACV cùng lập đỉnh trong quý III/2023.

Ngoài ra, các công ty con, công ty liên kết của ACV, công ty quản lý sân bay tại các tỉnh, thành phố cũng có kỳ kinh doanh thuận lợi trong 9 tháng vừa qua. Kết quả kinh doanh này trực tiếp thúc đẩy doanh thu/lợi nhuận của ACV thông qua cổ tức, chia lợi nhuận, hoặc hợp nhất kết quả kinh doanh. 

Trong cơ cấu doanh thu của ACV, chiếm tỷ trọng lớn nhất là doanh thu phục vụ hành khách, đạt 7.225 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 68 % so với cùng kỳ 2022. Đây là khoản thu được cộng trực tiếp vào giá vé các hãng bay, được các hãng bay thu hộ cho ACV. 

Tình trạng giá vé máy bay tăng giá cao, mà chủ yếu do tăng chi phí nhiên liệu và các khoản phí sân bay, liên tục được phản ánh trong thời gian gần đây. Hồi tháng 4, báo Kinh Tế Đô Thị có bài viết liên quan đến vấn đề này, trong đó ước tính sơ bộ để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một chiếc máy bay sẽ phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Bài viết cho biết trong giá vé máy bay có 2 khoản thu mà các hãng hàng không đang thu hộ cho ACV bởi ACV là đơn vị đang khai thác, quản lý 22 sân bay. Các khoản thu hộ này chiếm tỷ trọng rất lớn trong vé bay. 

Theo tính toán, trung bình cứ mỗi khách đi máy bay, thì ACV sẽ "bỏ túi" một khoản gồm phí dịch vụ cảng 100.000 đồng/khách đi nội địa và 25 USD/khách (khoảng 600.000 đồng/khách) đi quốc tế ở các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...

Dù các hãng hàng không thường xuyên điều chỉnh giá vé lên – xuống theo từng thời điểm để đảm bảo tính cạnh tranh, các loại dịch vụ sân bay mà các hãng hàng không phải chịu thì vẫn phải áp theo mức được quy định. 

Báo Tuổi Trẻ mới đây cũng cho biết trung bình mỗi chỗ ngồi được bán trước, hãng bay thu về 90.000 - 139.000 đồng, với đường bay quốc tế có giá cao hơn song vẫn chiếm một phần nhỏ trên tổng giá vé máy bay. Để tối ưu chi phí, các hãng hàng không buộc phải tung ra nhiều dịch vụ để khách chi thêm tiền, tăng doanh thu trên một chuyến bay, có hãng thậm chí cắt giảm dịch vụ nước uống, khăn lạnh trên máy bay...

Nợ xấu quý III cao gấp 10 lần cùng kỳ

Tại ngày 30/9/2022, ACV đã cho các hãng hàng không và các bên liên quan nợ 9.250 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Phần lớn các khoản nợ này nằm ở các công ty hàng không nội địa.  

Khoản phải thu khó đòi (nợ xấu) của ACV tại thời điểm cuối quý III đạt 2.565 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi chỉ trong 9 tháng. 

Dự phòng nợ xấu trở thành một gánh nặng chi phí của ACV trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm. 

Trong riêng quý III, công ty chi 680 tỷ đồng dự phòng nợ xấu, gấp 10 lần con số cùng kỳ và chiếm gần một nửa chi phí dự phòng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm. 

Việc tăng trích lập dự phòng nợ xấu khiến chi phí quản lý của ACV cao gấp 3,4 lần cùng kỳ, đạt 929 tỷ đồng. Đây là yếu tố chính khiến lợi nhuận quý III của ACV giảm tốc, chỉ tăng 15% so với cùng kỳ. 



Bài liên quan

(0) Bình luận
ACV: Lợi nhuận quý III lập đỉnh, nợ xấu cao gấp 10 lần cùng kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO