"Ngu gì không làm thép"
Cách đây 6 năm, vào tháng 9/2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường với khán phòng không còn một chỗ trống.
Nội dung chính của đại hội khi đó là lấy ý kiến cổ đông bàn về dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Siêu dự án Cà Ná lúc bấy giờ được cho là có tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD, tạo ra 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Tại đại hội này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen từng có câu nói gây xôn xao dư luận: "Nhìn Hòa Phát quý vừa rồi lời đến 2.000 tỷ đồng, 80% là từ thép, thì ngu gì không làm".
Thế nhưng, dự án Cà Ná của ông Vũ không được thực hiện. Cuối năm 2016, dự án Cà Ná được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng sau đó bị loại bỏ.
Giữa năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng dự án để tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.
Đến năm 2020, Hoa Sen đã chính thức rút khỏi dự án, sau khi chuyển nhượng 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con quản lý dự án Cà Ná.
Trong cái rủi có cái may
Nhìn vào diễn biến của ngành thép năm 2022, có thể nói rằng "may mà Hoa Sen không làm thép", bởi ngành thép cả trong nước và thế giới đều đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy.
Ngay từ đầu năm, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã đưa ra cảnh báo sự "thê thảm" của ngành thép.
Đến hiện tại, những điều ông Long cảnh báo đều đã được chứng thực, khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 3/2022 vừa qua, như Hòa Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng, Pomina lỗ 716 tỷ đồng, VNSteel lỗ 535 tỷ đồng, Nam Kim lỗ 419 tỷ đồng, SMC lỗ 188 tỷ đồng, Vicasa lỗ 24 tỷ đồng, Thủ Đức lỗ 23 tỷ đồng, Tisco lỗ 23 tỷ đồng, HMC lỗ 15 tỷ đồng và Hoa Sen cũng lỗ tới 887 tỷ đồng.
Vẫn có một số doanh nghiệp báo lãi, nhưng con số lợi nhuận đều rất khiêm tốn, chỉ dưới 10 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến ngành thép "thê thảm" xuất phát từ nhiều yếu tố.
Ở trong nước, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khi tín dụng siết chặt còn tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đang ở mức rất thấp.
Trên thế giới, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc và lạm phát tăng cao cũng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sâu và giá thép đi xuống.
Trong khi giá thép giảm, giá các nguyên liệu để làm ra thép lại tăng cao, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần.
Những yếu tố này đã khiến lượng cung của ngành thép vượt xa so với lượng cầu, dẫn tới tồn kho ngành thép tăng cao. Chính vì thế, thời gian gần đây nhiều nhà máy thép trong nước đã bắt đầu cắt giảm sản lượng, cho công nhân làm việc luân phiên.
Nếu như Siêu dự án thép Cà Ná vẫn được triển khai, con số thua lỗ của Hoa Sen trong quý 3/2022 có lẽ sẽ không dừng ở mức 887 tỷ đồng.