Nghiên cứu này dựa trên khảo sát từ gần 12.000 người tham gia tại 9 thị trường, trong đó có 1.000 người đến từ Việt Nam, làm rõ những thói quen và sở thích du lịch đang thay đổi, định hình bức tranh ngành du lịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích để dự đoán xu hướng và tạo ra những trải nghiệm du lịch ý nghĩa trong năm 2025 và hơn thế nữa.
“APAC mang đến rất nhiều cơ hội, nhưng sự đa dạng của khu vực này đòi hỏi sự sáng tạo và tinh tế. Việc thấu hiểu nhu cầu độc đáo của thị trường đa dạng này là yếu tố quan trọng để các nhà làm du lịch thành công trong bối cảnh du lịch năng động hiện nay. Thành công nằm ở việc đưa những hiểu biết này vào chiến lược sáng tạo, mang du khách đến gần hơn với những trải nghiệm họ mong muốn”, ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka, chia sẻ.
Du khách Việt Nam tìm kiếm sự thư giãn trên các bãi biển
Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy du khách Việt ưu tiên các chuyến du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi năng lượng, tương đồng với mức trung bình của khu vực APAC là 26%. Ví dụ, du khách Việt Nam thể hiện sự yêu thích mạnh mẽ đối với các bãi biển, với tỷ lệ lựa chọn lên tới 59%, cao hơn mức 56% của khu vực APAC, phản ánh những ưu tiên và động lực đặc trưng định hình quyết định du lịch của họ.
Du lịch nội địa lên ngôi
Trên toàn khu vực APAC, du lịch nội địa vẫn là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi du lịch, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gần một nửa – 49% du khách Việt Nam lựa chọn khám phá các điểm đến trong nước, trong khi 31% thích đi du lịch nước ngoài. Tỷ lệ thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản khi 70% người tham gia khảo sát ở các quốc gia này cho biết họ thích đi du lịch trong nước.
Giá cả là yếu tố quyết định hàng đầu trong lựa chọn du lịch
Phần lớn khu vực APAC, yếu tố nhạy cảm về giá cả đóng vai trò quan trọng, với gần một nửa số du khách tại các thị trường như Singapore, Úc, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia ưu tiên giá cả hơn tất cả các yếu tố khác khi đặt chỗ lưu trú.
Tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 37%. Du khách ở Việt Nam cùng với Hàn Quốc và Ấn Độ dù vẫn coi trọng giá cả, nhưng lại có xu hướng cân nhắc thêm các yếu tố khác như sự thoải mái của phòng ở và tiện nghi khi đưa ra quyết định.
Sự trỗi dậy của những nền tảng du lịch công nghệ
Về việc sử dụng các công cụ số trong việc lập kế hoạch du lịch, tỷ lệ sử dụng của du khách Việt Nam tham gia khảo sát là 35%. Điều này cho thấy sự tin tưởng ngày càng gia tăng của du khách Việt vào các nền tảng như Traveloka, giúp họ đơn giản hóa quy trình đặt dịch vụ du lịch, và cung cấp các lựa chọn linh hoạt.
Tiền mặt là “vua”
Trong các chuyến đi, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất đối với du khách Việt, với hơn một nửa (58%) sử dụng tiền mặt. Thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ (53%) và các ứng dụng thanh toán như VNPAY và Momo (48%) là những lựa chọn phổ biến tiếp theo.
Mạng xã hội tác động đến lựa chọn điểm đến du lịch
Khi được hỏi về những yếu tố có thể khuyến khích họ đến thăm một điểm đến không nằm trong danh sách dự định, hơn một nửa (53%) du khách Việt Nam cho biết mạng xã hội là nguồn thông tin quan trọng để khám phá các điểm đến mới. Ngoài ra, 40% người tham gia khảo sát ở Việt Nam cũng đề cập rằng các gợi ý từ gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định của họ.
Du lịch bền vững ngày càng được ưa chuộng
Cuối cùng, yếu tố bền vững ngày càng định hình các lựa chọn của du khách, với 89% du khách Việt Nam đưa tiêu chí này vào quyết định của họ. Con số này vượt mức trung bình của khu vực là 80%, tạo ra cơ hội rõ ràng cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại Việt Nam để thu hút thị trường, bằng cách cung cấp các trải nghiệm du lịch thân thiện với môi trường.