Hãng tin Bloomberg ngày 6/10 đưa tin, trong tháng đầu tiên nắm quyền của nữ Thủ tướng Liz Truss, tổng giá trị thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Anh đã "bốc hơi" ít nhất 300 tỷ bảng Anh.
Bloomberg chỉ ra rằng, niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ Anh đã bị lung lay, điều này có liên quan mật thiết đến một loạt chính sách kinh tế mới được chính phủ của bà Truss thúc đẩy.
Ngày 23/9, Chính phủ Anh công bố các đợt cắt giảm thuế mạnh tay nhất kể từ năm 1972, bao gồm việc loại bỏ mức thuế thu nhập cao nhất 45% và giảm mức thuế cơ bản từ 20% xuống 19%. Việc loại bỏ mức thuế thu nhập 45% cũng được coi là động thái cắt giảm thuế đối với những người giàu có.
Nhưng chính sách này ngay lập tức gây ra sự phản đối ở Anh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ trích những kế hoạch này là "không có mục tiêu", vào thời điểm nước Anh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, việc cắt giảm thuế không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong nước Anh mà còn có thể làm suy yếu chính sách tiền tệ.
Theo Bloomberg, những lo ngại về chính sách mới đã nhanh chóng gây ra những làn sóng chấn động trên các thị trường tài chính của Vương quốc Anh. Sau khi chính sách mới được công bố, các nhà đầu tư đã nhanh chóng bán tháo trái phiếu chính phủ Anh khiến đồng bảng Anh giảm nhanh so với đồng USD, thậm chí có thời điểm đạt mức thấp kỷ lục 1 bảng Anh đổi 1,035 USD.
Joachim Klement - chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Liberum Captial (Anh) – cho biết, phản hồi từ các nhà đầu tư cho thấy, chừng nào chính phủ Anh vẫn còn duy trì chính sách như vậy, họ không nghĩ rằng Vương quốc Anh là nơi thích hợp để đầu tư.
Mặc dù bị mọi tầng lớp xã hội phản đối mạnh mẽ và Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã thông báo từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế triệt để vào ngày 3/10, nhưng chính sách kinh tế cấp tiến đã làm lung lay niềm tin của thế giới bên ngoài vào thị trường Anh.
Hãng tin Reuters của Anh đưa tin rằng, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ xếp hạng triển vọng của Vương quốc Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực" vào ngày 5/10, trong khi vẫn duy trì xếp hạng tín dụng "AA-".
Fitch Ratings cho biết, độ tin cậy của khung chính sách là yếu tố chính ảnh hưởng đến xếp hạng, và việc thiếu dự toán ngân sách độc lập trong gói chính sách của chính phủ Anh mâu thuẫn với chiến lược kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương Anh, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của thị trường tài chính và sự không chắc chắn của khung chính sách.
Fitch Ratings cũng chỉ ra rằng, là một phần trong kế hoạch tăng trưởng của chính phủ mới tại Anh, gói tài khóa lớn nhưng chưa được cấp vốn này có thể dẫn đến thâm hụt nghiêm trọng tài khóa trung hạn. Fitch Ratings dự đoán, thâm hụt tài khóa của chính phủ Anh sẽ lên tới 7,8% GDP trong năm nay, và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, có thể đạt mức 8,8% vào năm 2023.