3 cách để trụ vững và kiếm tiền trong "cơn bão" tăng lãi suất

Thu Hương | 17:14 23/09/2022

Hiệu ứng tăng lãi suất sẽ lan tỏa ra mọi ngõ ngách của nền kinh tế, từ lãi suất thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô, vay thế chấp mua nhà cho đến danh mục đầu tư của bạn.

3 cách để trụ vững và kiếm tiền trong "cơn bão" tăng lãi suất

Cách đây vài tuần, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải “chịu đựng đau đớn” khi Fed tăng mạnh lãi suất để chống đỡ với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất 4 thập kỷ.

Đến hôm qua, ông và các thành viên khác trong Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) đã hành động đúng như dự báo của thị trường. Lãi suất liên bang lần thứ 3 liên tiếp được tăng thêm 75 điểm cơ bản.

Hiện lãi suất cơ bản của Mỹ đã nằm trong khoảng 3% - 3,25%, trong khi ở cùng thời điểm này năm ngoái con số là gần 0%. Không dừng lại ở đó, Fed còn dự định tăng thêm 125 điểm cơ bản nữa trước khi năm 2022 kết thúc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục (tăng lãi suất) cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ”, ông Powell phát biểu trước báo giới.

Hiệu ứng tăng lãi suất sẽ lan tỏa ra mọi ngõ ngách của nền kinh tế, từ lãi suất thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô, vay thế chấp mua nhà cho đến danh mục đầu tư của bạn.

Hiện lãi suất thẻ tín dụng mới phát hành ở Mỹ đã lên tới 18,10%/năm, gần chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/1996. Lãi suất vay mua ô tô là 5% và lãi vay thế chấp cán mốc 6% lần đầu tiên kể từ 2008.

Phố Wall đã lao dốc sau khi thông tin được công bố. Tổng cộng chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã giảm lần lượt 15,5% và hơn 19% kể từ đầu năm đến nay.

6 trong số 10 người tham gia một khảo sát của Viện nghiên cứu NRI cho biết họ lo lắng về lãi suất tăng. Hơn 2/3 dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng tới.

Và không chỉ ở Mỹ, xu hướng chung trên toàn thế giới hiện nay là thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo thống kê của Bloomberg, tổng cộng đã có tới 90 NHTW tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản mỗi lần kể từ đầu năm đến nay.

Trong bối cảnh lãi suất tăng trên toàn thế giới như hiện nay, giới chuyên gia đưa ra một số lời khuyên giúp nhà đầu tư có thể thích ứng.

Trả nợ càng sớm càng tốt

Tính đến quý II/2022, người Mỹ có khoảng 890 tỷ USD nợ thẻ tín dụng, theo Fed New York. Một khảo sát mới được thực hiện cho thấy ngày càng có nhiều người phải gia hạn nợ thẻ tín dụng. Với lãi suất tăng như hiện nay, số lãi phải trả sẽ ngày càng phình to.

Có rất ít sản phẩm đầu tư mang về mức lợi suất 2 con số, vì thế hãy từ bỏ những khoản nợ thẻ tín dụng có mức lãi suất 2 con số, các chuyên gia khuyến nghị.

Theo Susan Greenhalgh, chủ tịch Mind Your Money, hoàn toàn có thể làm điều này kể cả khi lạm phát ở trên 8%. Bắt đầu bằng cách liệt kê tất cả các khoản nợ, tách bạch chi tiết gốc là bao nhiêu và lãi phải trả là bao nhiêu. Sau đó thống kê cụ thể tất cả thu nhập và chi tiêu của bạn.

“Điều này rất quan trọng. Mọi người hay suy nghĩ cảm tính về mức độ chi tiêu của bản thân, nhưng khi liệt kê mọi thứ rõ ràng, câu chuyện sẽ khác vì bạn sẽ biết chính xác nên cắt giảm ở đâu ”, bà nói.

Suy nghĩ thật kỹ về những khoản chi tiêu lớn

Lãi suất tăng khiến mọi người đắn đo hơn khi chi những khoản lớn. Có thể nhìn thấy những tác động rõ ràng trên thị trường nhà đất.

Nhưng những sự kiện khiến bạn phải chi tiêu không phải lúc nào cũng khớp với chính sách của Fed. Ví dụ, bạn không thể tự quyết định khi nào con bạn cần đi học đại học. Do đó cần phải tính toán kỹ lưỡng về các khoản chi tiêu.

Hãy phân loại các thứ cần mua thành “muốn” và “cần”. Và những người quyết định rằng họ cần phải mua 1 chiếc xe ô tô hay mua nhà nên nhớ rằng họ luôn luôn có thể tái tài trợ sau đó.

Còn nếu bạn quyết định trì hoãn một khoản chi lớn, hãy lập ra 1 tiêu chí mà khi đạt được tiêu chí đó bạn sẽ chi tiền. Ví dụ, giá xe hay giá nhà giảm xuống một mức nào đó hoặc lãi suất giảm xuống một mức nhất định.

Trong khi chờ đợi, hãy đầu tư số tiền chưa dùng đến, ví dụ như mua cổ phiếu. Những tài sản đầu tư an toàn và có tính thanh khoản cao như quỹ thị trường tiền tệ hoặc thậm chí 1 tài khoản tiết kiệm đang được hưởng lợi từ lãi suất tăng. Chúng là nơi an toàn để cất giữ tiền, đồng thời bạn cũng dễ dàng rút tiền ra khi cần đến.

Tái cân bằng danh mục khi thị trường biến động mạnh

Những quy tắc cơ bản của việc đầu tư vẫn có giá trị: các nhà đầu tư dài hạn với tầm nhìn ít nhất 10 năm nên giữ vững danh mục. Những đợt giảm điểm ở thời điểm hiện tại sẽ mang đến những món hời. Nhưng tất nhiên bạn luôn phải nương theo mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân.

Có thể bắt đầu với trái phiếu chính phủ nghiệp. Trái phiếu thường giảm giá trong môi trường lãi suất tăng. Theo chuyên gia Gargi Chaudhuri của BlackRock, những loại trái phiếu có thời hạn ngắn hơn cũng là loại tài sản hấp dẫn.

Đối với cổ phiếu, ở thời điểm hiện tại 2 yếu tố quan trọng là chất lượng và sự ổn định. Bà Chaudhuri khuyên nên đầu tư vào các cổ phiếu y tế và dược.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất cứ động thái điều chỉnh danh mục nào cũng nên dựa trên các chiến lược được nghiên cứu kỹ lưỡng và phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Và hãy luôn nhớ rằng “thứ cứu rỗi bạn trong dài hạn chính là thứ đang đè bẹp bạn ở thời điểm hiện tại”, bà nói.

Tham khảo Marketwatch

Bài liên quan

(0) Bình luận
3 cách để trụ vững và kiếm tiền trong "cơn bão" tăng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO