20 tuổi chỉ mua hàng được sale, đến uống cốc nước cũng tiếc tiền: Giờ nghĩ lại chỉ thấy hối hận, giá như mình biết nguyên tắc tiết kiệm này sớm hơn, tuổi thanh xuân đã chẳng trôi đi vô nghĩa

Nguyệt | 16:07 14/07/2024

Tôi của những năm tuổi 20 từng sống quá tiết kiệm vì thiếu hiểu biết về tài chính.

20 tuổi chỉ mua hàng được sale, đến uống cốc nước cũng tiếc tiền: Giờ nghĩ lại chỉ thấy hối hận, giá như mình biết nguyên tắc tiết kiệm này sớm hơn, tuổi thanh xuân đã chẳng trôi đi vô nghĩa

Những năm đầu của tuổi 20, tôi vừa tốt nghiệp Đại học trong khi chồng vẫn còn dang dở việc học để lấy được tấm bằng. Khi đó, chúng tôi vừa mới sinh con đầu lòng, nên cả hai càng phải tìm cách xoay xở chi tiêu đủ thứ với nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc bán thời gian, trong khi thay phiên nhau chăm sóc con trai đầu lòng.

Trong những lần tuyệt vọng để tìm cách sống tốt với tiền lương ít ỏi, tôi đã tìm thấy một vài cuốn sách về tài chính cá nhân trên thư viện của nhà trường. Chúng mang lại cho tôi nhiều thông tin hữu ích về việc tuân thủ kế hoạch tài chính, tầm quan trọng của trả nợ và biết cách đặt tiết kiệm lên trên mong muốn chi tiêu không cần thiết. Trong số đó, lời khuyên chủ yếu mà chúng tôi ghi nhớ là "chi tiêu càng ít tiền càng tốt". Và vợ chồng tôi đã làm vậy.

Khi đó, tôi "điên cuồng" săn đồ giảm giá và hàng giá rẻ. Tôi thường xuyên lui tới các cửa hàng, chợ dân sinh chỉ để mua được thực phẩm hay hàng tiêu dùng có giá thấp nhất. Và mỗi lần mua được món hàng giá rẻ (dù chất lượng thì "hên xui") nhưng tôi vẫn rất tự hào về chính mình.

Cách tiết kiệm tiền này đã được vợ chồng tôi áp dụng hiệu quả trong nhiều năm. Chúng tôi dần thoát khỏi nợ nần, có tài chính vững chắc hơn và còn dư tiền để chồng học Thạc sĩ, trong khi tôi ở nhà nuôi con.

Cách chúng tôi quản lý tiền nong vẫn rất đơn giản. Chúng tôi nhận ra, khi chính mình không đủ khả năng chi trả cho bất cứ thứ gì ngoài thức ăn, tiền thuê nhà và học phí thì việc đưa ra lựa chọn mua sắm nào cũng dễ dàng - bởi chúng tôi luôn "nói không". Những năm tháng khó khăn tiền bạc khiến tôi lầm tưởng rằng, cách tiết kiệm cực đoan này đồng nghĩa với hiểu biết tài chính.

84f63ecaaf4efa79ce7719ff246e1ae3.jpg
Ảnh minh hoạ

Nhưng tôi ước mình đã sống không quá tiết kiệm

Không phủ nhận, lối sống tiết kiệm cực đoan này đã giúp gia đình tôi đạt được nhiều mục tiêu tài chính. Nhưng từ trải nghiệm của chính mình, tôi học được rằng chỉ "thắt lưng buộc bụng" sẽ không phải là chìa khoá giải quyết mọi vấn đề. Đến một thời điểm, việc bạn cắt giảm hầu hết chi tiêu sẽ không còn hữu ích nữa.

Chẳng hạn, chúng tôi từng không lắp đặt internet trong căn nhà đi thuê của mình suốt vài năm. Điều đó hạn chế chúng tôi có đời sống tinh thần tốt hơn, cũng như loại bỏ tiềm năng làm thêm bán hàng trực tuyến để gia tăng thu nhập. Tương tự, tôi từng nghĩ gia đình mình có thể sống tốt nhờ việc thường xuyên mua đậu và gạo để ăn uống, song chúng lại khiến chúng tôi gặp vấn đề về tiêu hoá và thiếu dinh dưỡng.

Khi đã đạt đến một mức độ tài chính nhất định, tôi nhận ra cuộc sống có lẽ sẽ dễ thở hơn nếu chúng tôi tập trung vào việc kiếm nhiều hơn thay vì tiết kiệm từng đồng một. Có một giới hạn cho số tiền bạn có thể tiết kiệm, nhưng không có giới hạn nào cho số tiền bạn có thể kiếm được.

Tôi đã tìm thấy công thức tiết kiệm của đời mình

Hiện nay, tôi vẫn là người khá tiết kiệm. Nhưng tôi đã chuyển hướng sang kiếm nhiều tiền hơn thay vì cắt giảm mọi khoản chi tiêu hết mức có thể.

Với thu nhập kiếm được, chúng tôi tập trung phân bổ vào những khoản chi lớn trong ngân sách của mình, đó là nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và chăm sóc sức khỏe. Song hành với đó, tôi cố gắng tối đa hoá những gì có thể tiết kiệm trong danh mục này, đồng thời theo dõi chi tiêu cho các khoản chi khác. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là ngân sách nằm trong tầm kiểm soát, đồng thời có dư tiền để đầu tư vào các tài sản tạo nên giàu có trong tương lai mà vẫn có thể để một phần thu nhập vào quỹ khẩn cấp. Nhờ kế hoạch tài chính này, thi thoảng chúng tôi vẫn có thể đi ăn ngoài hoặc ghé mua vài món đồ yêu thích.

3dcc0c3f0b92a6dcf08e04f394a200f8.jpg
Ảnh minh hoạ

Nguyên tắc của chúng tôi từ tiết kiệm hết mức có thể, giờ đã chuyển sang tỷ lệ 80/20, tức dành 80% ngân sách cho chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm. 20% còn lại chúng tôi sẽ dùng để làm chi phí dự phòng và dành cho khoản chi theo cảm xúc.

Giờ đây, tài chính của chúng tôi đã thay đổi, song tôi vẫn yêu thích bản thân mình ở phiên bản năm 20 tuổi, thích cách cô ấy nỗ lực tiết kiệm từng đồng một và chăm chỉ săn hàng giảm giá. Cô ấy đã cố gắng hết sức để mang về tài chính tốt hơn cho gia đình, với kiến thức và năng lực hạn chế mà cô có. Sau cùng, tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng, đừng mong đợi bản thân đã dày dặn kinh nghiệm quản lý tiền nong từ khi bạn còn trẻ. Nhớ rằng, không có bất kỳ những lối tắt nào cho bài học chi tiêu mà chỉ có kinh nghiệm mới có thể dạy bạn.

Nguồn: Business Insider


(0) Bình luận
20 tuổi chỉ mua hàng được sale, đến uống cốc nước cũng tiếc tiền: Giờ nghĩ lại chỉ thấy hối hận, giá như mình biết nguyên tắc tiết kiệm này sớm hơn, tuổi thanh xuân đã chẳng trôi đi vô nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO