11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sáp nhập có quy mô kinh tế ra sao?

Minh Hằng | 18:21 28/03/2025

Quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành phố được đề xuất giữ nguyên có sự chênh lệch đáng kể.

11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sáp nhập có quy mô kinh tế ra sao?
Tàu du lịch cập cảng Chân Mây ở Huế. Ảnh: VGP

Theo Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, nước ta có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng. Đó là TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Theo dự thảo Nghị quyết, đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000 km2 và dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2 và dân số 1,4 triệu. Ngoài ra, thành phố trực thuộc trung ương có diện tích 1.500 km2, dân số 1 triệu. Đặc biệt, tất cả tỉnh, thành phố đồng thời phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

Do đó, nếu các tỉnh, thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.

Vậy, 11 tỉnh, thành phố này hiện có quy mô kinh tế ra sao?

quy-mo-kt.png
Quy mô kinh tế của 11 tỉnh, thành không thuộc diện sáp nhập. 

Theo số liệu của Cục Thống kê, trong năm 2024, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành của TP Hà Nội đạt khoảng 1.430.000 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước và đứng đầu trong top 11 tỉnh, thành phố dự kiến không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Như vậy, quy mô GRDP của Hà Nội gấp hơn 56,7 lần Cao Bằng. Đây cũng là tỉnh có GRDP thấp nhất trong nhóm 11 tỉnh, thành dự kiến không thực hiện sắp xếp.

Các vị trí tiếp theo về quy mô GRDP trong danh sách 11 tỉnh, thành phố này lần lượt là Quảng Ninh (với 347.500 tỷ đồng), Thanh Hoá (318.752 tỷ đồng), Nghệ An (216.943 tỷ đồng) và Hà Tĩnh (112.855 tỷ đồng).

Ngoài ra, các tỉnh, thành có mức GRDP dưới ngưỡng 100.000 tỷ đồng, bao gồm: Huế (80.000 tỷ đồng), Sơn La (76.626 tỷ đồng); Lạng Sơn (49.736 tỷ đồng), Điện Biên (31.663 tỷ đồng), Lai Châu (31.024 tỷ đồng) và Cao Bằng (25.204 tỷ đồng).

Ngoài ra, về số thu ngân sách giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch. Cụ thể, ngoại trừ TP Hà Nội có mức thu cao nhất nhì cả nước, các địa phương ở Bắc Trung Bộ và Quảng Ninh có mức thu khá tốt, thì các địa phương trung du miền núi phía Bắc với quy mô kinh tế nhỏ nên mức thu ngân sách cũng ở mức rất thấp, khi đều dưới 10.000 tỷ đồng.

Về thu hút FDI, ba tỉnh thành thu hút FDI tốt nhất trong năm 2024 là Quảng Ninh, Hà Nội và Nghệ An. Trong khi đó, 3 tỉnh không thu hút được FDI là Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng.

Theo Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, việc sáp nhập các tỉnh tuân thủ nguyên tắc tương đồng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, đảm bảo sự gắn kết cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc của từng địa phương; đồng thời vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông và không gian kinh tế phù hợp, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển của tỉnh sau sáp nhập.

Bên cạnh đó, quá trình sáp nhập phải căn cứ vào trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, mức độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực hải đảo và vùng biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
11 tỉnh, thành phố không thuộc diện sáp nhập có quy mô kinh tế ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO