“Trước FPT phải đi xin công việc, giờ là cùng nhau bàn việc. Trước, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ về vị thế mới của FPT và Việt Nam bên cột mốc doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.
“Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”.
Chia sẻ về con số 1 tỷ USD, tổng tư lệnh của FPT Software Phạm Minh Tuấn cho biết đây là một cột mốc đã mường tượng trước, không giàu cảm xúc bằng các cột mốc 1 triệu USD hay 100 triệu USD trước đây.
Ông Tuấn là cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TPHCM, đầu quân vào FPT Hà Nội năm 1996, sau khi tham gia một trận bóng đá và thấy FPT “vui quá”.
Năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài với khát vọng: Đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới.
Năm 1999, ông Tuấn được cử sang Ấn Độ, sang Mỹ theo đúng phong cách “đếch biết gì cũng tiến” của nhà FPT, và rồi lặng lẽ quay về. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn đô.
“Có rất nhiều tranh luận trong FPT lúc đó: Tiếp tục làm trong nước hay ra theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm? Sau khi đạt mốc 1 triệu USD, chúng tôi mới tin rằng mình có thể bước ra nước ngoài”, CEO FPT Software nhớ lại.
FPT thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
“Vào thời điểm đó, bác Nishida, cố vấn của Sumitomo, khuyên hãy sang Nhật Bản. Tôi xin đi một mình, vì hồi ấy không có tiền”, nhà sáng lập FPT Trương Gia Bình nhớ lại. Liên tiếp thất bại, ban lãnh đạo FPT hồi ấy không đồng ý cấp tiền cho ông thực hiện giấc mơ này nữa.
“Ngày đó, tôi sang bán hàng ở IBM. Nhưng bác Nishida bảo ‘Không, đoàn nào lại đi 1 người?”, tôi đành xin 2 người. Bác lắc đầu, điều thêm 3 người nữa bên doanh nghiệp bác… Cuộc đi đó cho chúng tôi một bài học để thành công: Muốn làm được phần mềm, phải chịu khó nói tiếng bản địa”, ông Bình nói.
Trong sự phát triển của một doanh nghiệp, luôn có những cái “bẫy thu nhập”, giống như “bẫy thu nhập trung bình” của một quốc gia. “Bẫy thu nhập” của FPT thời ấy là mốc doanh thu 100 triệu USD/năm.
Ông Trương Gia Bình từng chia sẻ về câu chuyện FPT sát cánh cùng Nhật Bản trong thảm họa sóng thần năm 2011. Từ nét đượm buồn trên gương mặt đối tác khi họp, ông hỏi và biết Nhật Bản vừa trải qua một trận động đất và sóng thần kinh hoàng. Ông yêu cầu nhân viên đặt vé bay sang Nhật ngay lập tức.
"Thư ký nói với tôi rằng ‘Phóng xạ lên đến hơn 200 lần rồi anh ạ, anh không thể đi được, bọn em không phép anh đi’. ‘Ơ thế anh quyết hay các em quyết?’", ông Bình nhớ lại.
Hai ngày sau đó, ông Bình có mặt tại Tokyo, với rất nhiều mì ăn liền và một thùng chè tươi, vì theo kinh nghiệm dân gian, lá chè tươi có thể giúp chống phóng xạ.
“Lúc đấy, tất cả người nước ngoài, kể cả sứ quán nước ngoài cũng đã rời khỏi Tokyo. Tôi nói chuyện với toàn bộ nhân viên của FPT. Tôi bảo: “Anh có một lời nhờ các em, và sẽ sẵn sàng đáp ứng lại bất kỳ lời nhờ nào của các em cho đến cuối đời. Đó là không một người FPT nào rời bỏ Nhật Bản lúc này”. Và các em đã đồng ý”, ông Bình kể tiếp.
“FPT cam kết đồng hành cùng khách hàng Nhật. Chỉ khi nào người Nhật rời bỏ nước Nhật thì FPT mới về Việt Nam. Sau cột mốc đó, FPT tiến tới đà tăng trưởng mới, và FPT Software vượt mốc 100 triệu USD”, ông Tuấn nhớ lại.
Cột mốc doanh thu tỷ USD được gây dựng từ những khách hàng triệu USD. Khách hàng 100 triệu USD đầu tiên của FPT Software đến từ Mỹ, sau thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại xứ sở cờ hoa, thương vụ với Intellinet năm 2018.
Đây cũng là năm FPT Software nhắm tới chiến lược “săn cá voi”.
Ông Đặng Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách khối Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông - nhớ lại: “Ngày đó, khi hai anh em đi dạo với nhau, anh Trương Gia Bình hỏi tôi: ‘Tại sao khách hàng Mỹ lại làm việc với mình? Mình không thông minh bằng Châu Âu, tiếng Anh không giỏi như Ấn độ…’ Tôi trả lời: ‘Mình ngoan và quan trọng là ham học hỏi’”.
Ông Phương là sinh viên thời đầu của giáo dục FPT - trường FPT Aptech, ông thổ lộ đến giờ vẫn chưa được ra trường.
“Ham học hỏi” đã giúp FPT rất nhiều tại thị trường Mỹ. Công ty đã mất 5 năm để một công ty B (được đề nghị giấu tên) – công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới - đồng ý hợp tác triển khai dự án chuyển đổi số cho họ.
“Khi đến trình bày với họ, tôi nói: ‘Trong mơ cũng không nghĩ có ngày được bàn về việc lập trình cho công ty này’. Nhưng sau 10 năm, mỗi chuyến bay trên bất kì hãng máy bay nào đều có dòng code của FPT”, ông Phương nói, đồng thời tiết lộ tên khách hàng sản xuất máy bay lớn tiếp theo là đổi thủ của hãng B. nói trên - Airbus. FPT cũng mất tới 3 năm để “săn” được khách hàng này.
“Không nhiều công ty trên thế giới có thể cung cấp dịch vụ CNTT cho cả hai công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới”.
“FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão, mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. Con số 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài là một trong số đó”, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT - cho biết.
“Với tiềm năng thị trường và những gì chúng tôi đã làm được, FPT đang hướng đến ước mơ có một triệu nhân sự chuyển đổi số. Và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, Chip bán dẫn, công nghệ ô tô … để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất”.
FPT công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa là “bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD”, đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Trước nghi ngại về con số 5 tỷ USD năm 2030, CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn cho biết, một công ty đẳng cấp thế giới (World Class) phải có là: Doanh thu tỷ đô từ 1 thị trường, từ 1 ngành, có hợp đồng tỷ đô, rồi lợi nhuận tỷ đô.
Ông Tuấn nhìn nhận FPT Software có nhiều cơ sở tăng trưởng doanh thu khi thị phần hiện tại của FPT tại Mỹ và Châu Âu còn nhỏ, dư địa rất lớn. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ hàng đầu chỉ mạnh ở 1 thị trường, trong đó FPT đang cân bằng - làm dược cả cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu…
Về thị trường, FPT Software đang phát triển thế “kiềng 3 chân” là khối thị trường Nhật Bản, khối Châu Á – Thái Bình Dương, khối Mỹ và Châu Âu.
“Khi đạt được mục tiêu tỷ USD rồi sự tự tin lên rất cao, ai cũng hừng hực khí thế làm sao để đơn vị mình phụ trách đạt được 1 tỷ USD… Ví như Nhật Bản luôn dẫn đầu, nhưng năm 2022, FPT Software tại Mỹ đã vượt khối tại Nhật”.
“Anh Đỗ Văn Khắc – Phó TGĐ FPT Software phụ trách Khối Nhật Bản, Châu Á và Thái Bình Dương - phải đặt khẩu hiệu trong công ty là BTA: Beat The America. Và năm 2023, khối Nhật đã lấy lại vị trí số 1”, ông Tuấn kể.
Ba khối thị trường chính của FPT Software sẽ chạm mốc 1 tỷ USD, theo ông Tuấn. Bên cạnh đó, sẽ có các chuyên ngành tỷ USD. Ví như chuyên ngành phần mềm ô tô, công ty FPT Automotive chính thức được khai trương tại Mỹ hồi cuối năm 2023 nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ đô la.
Với tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong những năm gần đây, lĩnh vực này cũng đã đóng góp quan trọng vào việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.
Phụ trách thị trường Nhật và khối Châu Á – Thái Bình Dương, ông Khắc cho biết trong tương lai, những việc mà một số tập đoàn lớn đang làm tại Đại Liên, có thể phải chuyển sang Đà Nẵng, đang làm tại Thượng Hải, có thể phải chuyển về TPHCM.
Từ thị trường Mỹ, ông Phương cam kết năm 2028 sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD, và khẳng định mục tiêu 5 tỷ USD sẽ đến rất sớm, e rằng cần nâng lên chục tỷ USD.