Thành công của Zelle đến từ một loạt yếu tố chính, bao gồm quan hệ đối tác với các ngân hàng lớn, giao diện dễ sử dụng và chính sách tập trung vào bảo mật.
Vũ khí diệt startup
Zelle là "đứa con tinh thần" của một loạt ngân hàng lớn Hoa Kỳ, trong đó nổi bật là Bank of America, Wells Fargo và JPMorgan Chase. Zelle được coi là đối trọng của hệ thống ngân hàng chính quy trước sự bành trướng của các startup thanh toán ngang hàng (P2P).
Zelle đã cung cấp một phương thức thuận tiện và an toàn để gửi và nhận tiền trực tiếp từ bất kỳ tài khoản ngân hàng nào, cho phép ngân hàng truyền thống cạnh tranh trực tiếp với các ứng dụng như Venmo và Cash App, vốn được coi là mối đe dọa tiềm ẩn đối với mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng.
Sự ra mắt của Zelle vào năm 2017 được đánh dấu bằng một chiến dịch tiếp thị lớn, với khẩu hiệu "Đây là cách tiền di chuyển." Chiến dịch định vị Zelle như một giải pháp thay thế nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn so với các ứng dụng thanh toán P2P khác.
Theo một báo cáo vào năm 2020 của eMarketer, hệ thống đối tác ngân hàng đã góp một phần không nhỏ vào thành công của Zelle. Báo cáo ghi nhận số lượng người dùng Zelle tăng vọt 26% vào năm 2019, phần lớn do tích hợp với các ứng dụng ngân hàng trên thiết bị di động.
Báo cáo đồng thời cho rằng người dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng sẽ sử dụng thêm cả Zelle để gia tăng sự tiện dụng và mở rộng khả năng kết nối.
Giao diện đơn giản
Một yếu tố khác góp phần vào thành công của Zelle là giao diện dễ sử dụng. Zelle giúp người dùng dễ dàng gửi và nhận tiền, tránh khỏi các giao dịch thường mất vài phút để hoàn thành. Người dùng có thể liên kết tài khoản ngân hàng của họ với Zelle và bắt đầu sử dụng, loại bỏ nhu cầu thiết lập tài khoản mới.
Ứng dụng này có mặt trên cả IOS, Android với thiết kế đơn giản và gọn gàng, dễ điều hướng. Người dùng có thể gửi tiền nhanh chóng và dễ dàng cho bạn bè và thành viên gia đình, chỉ cần sử dụng số điện thoại hoặc địa chỉ email.
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2019 của J.D. Power, "dễ sử dụng" là lý do quyết định khi sử dụng các nền tảng thanh toán P2P như Zelle.
Vào năm 2019, Zelle đã thêm tính năng "Giải ngân với Zelle", cho phép các doanh nghiệp sử dụng nền tảng này để thanh toán khách hàng và nhân viên, mở rộng tệp khách hàng từ cá nhân sang doanh nghiệp.
Khả năng bảo mật
Zelle luôn nhấn mạnh vào các tính năng bảo mật, giúp xây dựng lòng tin và sự tự tin khi sử dụng của người dùng. Các biện pháp bảo mật của Zelle bao gồm: Xác thực hai yếu tố, Mã hóa dữ liệu nhạy cảm và Giám sát giao dịch để phát hiện gian lận.
Theo báo cáo năm 2020 của Aite Group, các biện pháp bảo mật của Zelle đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn gian lận và bảo vệ người dùng. Báo cáo khẳng định Zelle có tỷ lệ gian lận thấp hơn so với các nền tảng thanh toán P2P khác, một phần nhờ vào quan hệ đối tác với các ngân hàng, cho phép Zelle tận dụng cơ sở hạ tầng bảo mật hiện có.
Tuy nhiên, Zelle vẫn đối mặt với chỉ trích vì thiếu khả năng chống gian lận trong một số trường hợp, đặc biệt là các giao dịch trái phép. Trong một số trường hợp, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng Zelle để lừa đảo người dùng bằng cách lợi dụng quy trình giải quyết tranh chấp chưa hoàn thiện.
Để giải quyết những lo ngại này, Zelle đã triển khai các biện pháp phòng chống gian lận mới, chẳng hạn như xác thực dựa trên SMS và xác nhận nhiều lần đối với các giao dịch khả nghi.
Kết quả đáng tự hào
Mặc dù ra đời muộn hơn Venmo 8 năm và Cashapp 4 năm, Zelle hiện là ứng dụng thanh toán P2P hàng đầu tại Mỹ, với ước tính 62,7 triệu người dùng vào năm 2021. Venmo, thuộc sở hữu của PayPal, là ứng dụng phổ biến thứ hai với 52,9 triệu người dùng, trong khi Cashapp, thuộc sở hữu của Square, có khoảng 28,4 triệu người dùng.
Về khối lượng giao dịch, Zelle và Venmo là hai ứng dụng thanh toán P2P dẫn đầu. Vào năm 2020, Zelle đã xử lý 307,1 tỷ USD giao dịch, trong khi Venmo xử lý 159,6 tỷ USD, theo eMarketer.
Tính đến nay, hơn 100 tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ đang sử dụng Zelle làm tùy chọn thanh toán cho khách hàng. Zelle còn được tích hợp vào các ứng dụng ngân hàng của nhiều ngân hàng lớn, bao gồm Bank of America, JPMorgan Chase và Wells Fargo, cho phép Zelle tiếp cận với cơ sở người dùng lớn và lâu đời.
Đối mặt với sức ép từ Zelle, Venmo và Cashapp buộc phải mở rộng mô hình kinh doanh để tồn tại, chẳng hạn như Venmo đã tích hợp tính năng mua sắm, mạng xã hội và thẻ ghi nợ.
Về Zelle, ứng dụng này cũng tích cực mua lại các công ty khác để mở rộng tính năng. Vào năm 2019, Zelle đã mua lại công ty công nghệ Finicity để cải thiện khả năng thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực xác minh tài khoản và thanh toán theo thời gian thực.
Có thể thấy, Zelle là một lời đáp trả đanh thép của giới ngân hàng đối với các dự án khởi nghiệp fintech, trong tương lai gần, Zelle được dự đoán sẽ gây thêm không ít "sóng gió" trên thị trường.