Nikkei trích dẫn số liệu thống kê được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm 8/7 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các công ty quản lý uỷ thác đầu tư và công ty quản lý tài sản của Nhật Bản đã mua số cổ phiếu và cổ phần trong các quỹ đầu tư ở nước ngoài nhiều hơn số họ bán ra, với mức chênh lệch là 6,16 nghìn tỷ yên (38 tỷ USD). Con số này vượt xa mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong cùng kỳ, dự kiến là khoảng 4 nghìn tỷ yên.
Hoạt động đầu tư ở nước ngoài được thúc đẩy nhờ việc Nhật Bản triển khai chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA) mới sửa đổi hồi tháng 1. Các công ty quản lý tài sản đã kiếm được khoảng 1 nghìn tỷ yên mỗi tháng nhờ chương trình miễn thuế đầu tư ra nước ngoài.
Theo Nikkei, từ trước đến nay, các nhà đầu tư tổ chức của Nhật Bản chưa rót vốn cho thị trường nước ngoài với quy mô lớn đến vậy. Các ngân hàng chỉ mua ròng 220,7 tỷ yên tài sản nước ngoài trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, các quỹ hưu trí bán ròng 9,43 nghìn tỷ yên trong cùng kỳ.
Động lực thúc đẩy dòng tiền đổ vào các tài sản ở nước ngoài là nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chuyển tiền tiết kiệm thành tiền đầu tư để ứng phó với lạm phát. CPI lõi tại Nhật Bản đã liên tục tăng hơn 2% mỗi tháng kể từ mùa thu năm 2022. CPI tháng 5 tăng 2,1%, cao hơn mục tiêu của BOJ là 2%.
Hiện tại, rất ít sản phẩm tài chính ở Nhật Bản tạo ra lợi nhuận cao hơn 2%. Tiền gửi có kỳ hạn 1 năm ít nhất 3 triệu yên có lãi suất chỉ dưới 0,1% trong tháng 6. Trái phiếu chính phủ Nhật Bản được bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ có lãi suất dưới 1% trong tháng này. Lợi suất cổ tức dự kiến của các cổ phiếu Nhật Bản theo Nikkei Stock Average chỉ ở mức 1,75%, vẫn thấp hơn lạm phát.
Soichiro Tateishi, nhà kinh tế tại Japan Research Institute, cho biết: “Dòng tiền đầu tư có xu hướng chảy sang các nước phương Tây và nơi khác, những nơi có kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp cao.”
Khi nhà đầu tư Nhật Bản mua cổ phiếu hoặc trái phiếu bằng đồng USD thông qua các quỹ tương hỗ mà không có chiến lược phòng ngừa rủi ro tiền tệ, họ sẽ phải bán đồng yên để mua USD. Theo đó, hoạt động đầu tư tăng lên thông qua NISA lại càng gây áp lực cho đồng yên. Việc nhà đầu tư rút vốn sẽ giúp đồng yên lên giá. Tuy nhiên, NISA là chương trình dựa trên việc đầu tư dài hạn, nên đồng yên sẽ chưa thể nhận động lực từ đây.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Nhật Bản từ lâu đã được coi là yếu tố mang tính cơ cấu khiến đồng yên giảm giá. Là nước nhập khẩu năng lượng, Nhận Bản đã chứng kiến tình trạng thâm hụt thương mại kể từ trận động đất và sóng thần năm 2011, khiến nước này phải nhập khẩu thêm năng lượng do các nhà máy năng lượng hạt nhân đóng cửa.
Từ tháng 1 đến tháng 5/2024, thâm hụt thương mại của Nhật Bản ở mức 3,45 nghìn tỷ yên. Con số này sẽ tăng lên 3,83 nghìn tỷ yên khi tính cả dữ liệu đến giữa tháng 6.
Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng dòng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ tháo chạy. Trong khi đó, đồng yên đang giao dịch ở mức 160 đổi 1 USD, còn hồi đầu năm là 140. Một cách để xoay chuyển tình thế là tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Nhật Bản cùng các sản phẩm tài chính khác.
Theo Shingo Ide, trưởng kỹ sư tài chính tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản “đang bắt đầu nỗ lực để cải thiện khả năng tạo ra lợi nhuận và hiệu quả sử dụng vốn.”
Song, Nikkei nhận định, bất kỳ sự thay đổi lớn nào đối với xu hướng hiện tại sẽ mất nhiều thời gian.
Tham khảo Nikkei