Mặc dù trong chương trình kiểm soát đường cong lãi suất, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, song BOJ đã quyết định nới rộng gấp đôi biên độ dao động JGB từ +/- 0,25% lên +/- 0,5%, một động thái khiến các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do làn sóng tăng lãi suất và lạm phát không thể kiểm soát.
Theo giới phân tích, quyết định trên đồng nghĩa với việc BoJ đã tăng lãi suất dài hạn. Mặt khác, với việc tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu dài hạn, về nguyên tắc, BoJ sẽ tiếp tục mua vào không giới hạn trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất mới trong tất cả các ngày làm việc.
Quyết định này được đưa ra sau phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày của Hội đồng Chính sách BoJ trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Động thái này gây bất ngờ vì hầu hết những người theo dõi BOJ đều cho rằng tổ chức này sẽ không có thay đổi nào cho đến khi nhiệm kỳ 10 năm của Thống đốc hiện tại Haruhiko Kuroda kết thúc vào cuối tháng Ba tới.
Đồng đô la kết thúc phiên 20/12 giảm 3,9% so với đồng tiền Nhật Bản, xuống 131,655 JPY, sau khi có lúc chạm 130,58 JPY, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8.
BOJ nới rộng biên độ dao động lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.
Bipan Rai, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực Bắc Mỹ của công ty CIBC Capital Markets, cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán đây sẽ là câu chuyện của đầu năm 2023 chứ không phải bây giờ.".
Theo ông Rai: "Việc BOJ sửa đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất là một động lực đáng kể đối với thị trường ngoại hối chỉ sau một đêm".
Lợi tức JGB kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 0,46% so với mức trần trước đó là 0,25%. Điều đó cũng kéo lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn tương đương tăng lên, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên mức cao nhất trong tháng này, đạt 3,711%.
"Cú đánh" vào đồng đô la xảy ra vào thời điểm đồng tiền này đang giảm giá sau khi tăng mạnh từ đầu năm đến nay, khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng Fed sắp hoàn thành việc tăng lãi suất mạnh mẽ - yếu tố đã thúc đẩy đồng USD tăng mạnh.
"Rủi ro trong trung hạn nghiêng về xu hướng giảm giá của tỷ giá USD/JPY do quy mô lớn của cặp tỷ giá này, từ đó cũng sẽ tác động lan truyền sang các loại tiền tệ khác", công Rai của CIBC cho biết.
Tại cuộc họp báo sau thông báo, thống đốc BOJ Kuroda đã cố gắng nhấn mạnh rằng sự thay đổi này "không phải là tăng lãi suất" mà là để cải thiện chức năng của thị trường trái phiếu. Ông nhắc lại rằng còn quá sớm để thảo luận về việc thoát khỏi gói kích thích.
Jane Foley, người phụ trách mảng Chiến lược ngoại hối của Rabobank, cho biết: "Có thể nói rằng đồng yên đã duy trì sức mạnh sau thông báo, cho thấy thị trường không tin vào ông Kuroda". "Tất cả những gì thị trường thấy ở đây là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã mở ra cơ hội thắt chặt chính sách hơn nữa và thị trường có vẻ khá chắc chắn rằng điều đó có thể xảy ra vào mùa xuân," ông Foley nói thêm, đồng thời cho biết tỷ giá USD/JPY có thể giảm xuống mức thấp nhất là 125.
Chỉ số đô la Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác của Mỹ - tính từ đầu năm đến cuối tháng 9 đã tăng gần 19%, sau đó hạ nhiệt để đến thời điểm hiện tại chỉ còn tăng khoảng 9%.
Lạm phát của Mỹ giảm mạnh đã khiến các nhà giao dịch đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, khiến đồng đô la lao dốc so với các loại tiền tệ chính.
Fed đã tăng lãi suất nhiều hơn so với các nền kinh tế lớn khác vào năm 2022, thu hút các nhà đầu tư hướng tới các tài sản bằng đô la. Nhưng sự khác biệt đó có thể sớm kết thúc, có khả năng khiến các nhà đầu tư rời bỏ đồng bạc xanh.
Cũng trong ngày 20/12, đồng yen tăng mạnh trên diện rộng, với euro giảm 3,5% so với yen xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9, là 140,17 JPY; bảng Anh cũng giảm 3,7% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12 tháng 10 là 160,34 yên.
Diễn biến tỷ giá đồng yen.
Đồng euro tăng 0,12 % so với USD trong phiên này, lên 1,0621 USD. Với việc các nhà đầu tư khá thờ sơ với các tài sản rủi ro hơn, đồng đô la Úc, được coi là đại diện của các tiền tệ rủi ro, giảm đã giảm 0,38% xuống mức thấp mới trong 1 tháng.
Bảng Anh tiếp tục tăng so với USD, hướng đến quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2009. Theo đó, bảng Anh kết thúc phiên 20/12 tăng 0,1% so với USD, lên 1,216 USD/GBP. Tính từ đầu quý 4/2022 đến nay, bảng đã tăng 8,8% so với đô la, quý tăng tốt nhất trong hơn 13 năm.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, bảng Anh vẫn giảm khoảng 10% giá trị so với USD, và giảm hơn 4% so với euro.
Các nhà phân tích tỏ ra bi quan về triển vọng của đồng bảng Anh, với nền kinh tế Anh được coi là có khả năng tồi tệ hơn so với các nền kinh tế lớn trong những năm tới.
Goldman Sachs dự kiến đồng bảng sẽ giảm xuống còn 1,07 đô la trong vòng ba tháng và đứng ở mức 1,11 đô la trong sáu tháng.
Chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương Anh.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng 2,9% trong phiên 20/12 lên 16.922 USD trong bối cảnh các tiền điện tử tiếp tục nỗ lực phục hồi sau những tổn thất nặng nề do sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Giá Bitcoin ngày 20/12.
Giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong một tuần do thị trường vẫn tập trung vào chiến lược lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,6% lên 1.815,10 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 1,5% ở mức 1.825,4 USD.
Giá vàng thỏi đã giảm hơn 260 USD/ounce kể từ mức đỉnh hồi tháng 3 khi các ngân hàng trung ương tăng cường nỗ lực chống lạm phát tăng vọt, nhưng đang có quý tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, tăng 9,4% cho đến thời điểm hiện tại.
Tham khảo: Reuters, Coindesk