Đồng yên giảm nhẹ xuống mức 149,10 yên đổi 1 USD, mức yếu nhất kể từ ngày 16/8. Tuần trước, đồng yên giảm hơn 4%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu năm 2009.
Đồng USD tăng sao báo cáo việc làm của Mỹ. Mức tăng việc làm tháng 9 đạt cao nhất trong 6 tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và mức tăng lương vững chắc. Tất cả đều cho thấy nền kinh tế khoẻ mạnh, buộc thị trường hạ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Giám đốc nghiên cứu Chris Weston tại công ty môi giới trực tuyến Pepperstone của Australia cho biết xung đột địa chính trị và nguy cơ về cú sốc năng lượng vẫn là mối đe doạ đối với tâm lý của nhà đầu tư. Những người dự đoán rủi ro vẫn chưa thấy điều gì đáng kể về thị trường trong suốt tuần qua và bước vào tuần giao dịch mới với tâm lý khá tốt.
Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,7% vào thứ Hai, nhưng đã tăng hơn 8% vào tuần trước, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 1 năm 2023.
Chỉ số đô la Mỹ, thước đo giá trị của đồng USD so với một rổ các đồng tiền chủ chốt, đã tăng 0,5% trong thứ Sáu tuần trước và là tuần tăng lớn nhất trong hai năm. Đồng euro ở mức 1,0970 euro đổi 1 USD, giảm 0,06%.
Đồng yên yếu cũng liên quan đến những phát ngôn của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba vào tuần trước, cho thấy khả năng Nhật Bản tăng lãi suất vẫn còn xa.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng một điểm cơ bản lên 3,9905%, mức cao nhất trong gần hai tháng. Lợi suất đã giảm vào đầu tuần trước khi các nhà đầu tư mua trái phiếu kho bạc làm nơi trú ẩn, sau khi Iran phóng tên lửa vào Israel trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Thị trường chuyển từ dự đoán Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản sang chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11. Theo công cụ FedWatch của CME, hiện tại, các nhà đầu tư dự đoán 95% khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm và 5% khả năng không cắt giảm.
Theo Reuters