'Xương sống' ngành xe điện ở Việt Nam tăng trưởng thần tốc, vượt cả Mỹ, Hàn Quốc

Nhật Quỳnh | 07:00 24/09/2024

Khảo sát cho thấy yếu tố giúp người Việt Nam cảm thấy yên tâm nhất để mua xe điện là trạm sạc phủ khắp.

'Xương sống' ngành xe điện ở Việt Nam tăng trưởng thần tốc, vượt cả Mỹ, Hàn Quốc

Ô tô sử dụng động cơ đốt trong đã tồn tại trên thế giới hơn một thế kỷ. Trải qua đủ mọi giai đoạn, từ đưa lên dây chuyền để xe phổ biến tới mọi đối tượng, chuyển đổi nhà máy ô tô để sản xuất vũ khí chiến tranh, bùng nổ doanh số thời hậu chiến, và giờ là cuộc đua trang bị công nghệ. 

Tuy nhiên, ngành ô tô toàn thế giới lại đang có sự dịch chuyển từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe sử dụng năng lượng thân thiện môi trường, nổi bật trong đó là xe điện, khi được đặt trong bối cảnh khí hậu biến đổi ngày một trầm trọng hơn.

Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng dịch chuyển này; thậm chí, một cam kết Việt Nam từng đưa ra đã đặt dấu chấm với xe sử dụng năng lượng hóa thạch.

Thời điểm chấm dứt của xe xăng tại Việt Nam

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Việt Nam là một trong các quốc gia đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đảo ngược tiến trình biến đổi theo chiều hướng xấu của khí hậu.

Tại chuỗi các sự kiện diễn ra tại Glasgow (Anh) về biến đổi khí hậu này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyến bố Việt Nam sẽ phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để làm được điều này, nhiều ngành của Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn, trong đó có ngành giao thông - vận tải với việc đặt dấu chấm cho xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biển tại COP26.

Theo kế hoạch trong Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành giao thông vận tải mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt vào tháng 7/2022, năm 2050 là dấu mốc quan trọng với nhiều loại phương tiện. Cụ thể, tới năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi đều phải chạy điện. 

Tương tự. ngành đường sắt cũng sẽ phải sử dụng đầu máy và toa xe sử dụng điện từ năm 2050. Với ngành hàng không, từ mốc nói trên, sẽ phải sử dụng 100% năng lượng xanh hoặc nhiên liệu bền vững.

 - Ảnh 2.

Tới năm 2050, toàn bộ xe buýt phải chạy điện. Ảnh minh họa

Ngành giao thông đường bộ sẽ chia làm 2 giai đoạn.

Tại giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến năm 2030), Chính phủ sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sang sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy điện; song song, việc phối trộn và sử dụng xăng 100% E5 với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng sẽ được sử dụng.

Giai đoạn 1 cũng là lúc hạ tầng sạc điện được thúc đẩy phát triển, khuyến khích xây dựng tại bến xe hoặc trạm dừng nghỉ.

 - Ảnh 3.

Mẫu xe thuần điện Hyundai IONIQ 5 được lắp ráp tại VIệt Nam.

Tới giai đoạn 2 (từ năm 2031 đến năm 2050), mốc năm 2040 sẽ đánh dấu thời điểm ngành Giao thông Vận tải dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tới mốc năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải là xe sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. 

Kế hoạch có nhắc một điều quan trọng nữa, là trước năm 2040, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dần bị hạn chế trước khi dừng hẳn.

Trạm sạc - "xương sống" ngành xe điện

Đi cùng với sự phát triển của xe điện, hạ tầng hỗ trợ là một yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy người dùng chuyển đổi sang loại phương tiện mới này.

Theo kết quả của khảo sát về xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam do KPMG thực hiện cùng Chợ Tốt Xe, 5 yếu tố có tác động lớn nhất đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng lần lượt là: 

- Trạm sạc phủ khắp;

- Phí sạc rẻ hơn giá xăng dầu;

- Phí bảo dưỡng, sửa chữa, độ sẵn có của phụ tùng;

- Tác động tới sức khỏe;

- Chính sách hỗ trợ và giảm thuế.

Trong khi đó, với nhóm người dùng cảm thấy không sẵn sàng chuyển sang xe điện thì 3 vấn đề lớn nhất là Trạm sạc chưa phủ rộng, Quãng đường đi mỗi lần sạc chưa đủ xa, và Thời gian sạc dài.

 - Ảnh 4.

Mô hình trạm sạc công cộng của EV One.

Như vậy, dựa trên kết quả khảo sát này, độ phủ của trạm sạc có thể nói đang là vấn đề lớn nhất với người tiêu dùng Việt Nam nếu muốn thuyết phục họ chuyển sang sử dụng xe điện.

Hiện tại, VinFast (với V-GREEN) đang là đơn vị đi đầu về số lượng trạm sạc và cổng sạc trên cả nước. Cùng đó, nhiều đơn vị khác cũng đang nghiên cứu, đầu tư làm trạm sạc tại Việt Nam còn có thể kể tới EV One hay EverCharge.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang còn thiếu Quy chuẩn dành cho trạm sạc, có thể dẫn đến việc phát triển không đồng nhất và tạo ra sự bất tiện khi sử dụng.

Tốc độ phát triển trạm sạc "vượt Mỹ, Hàn"

Hiện nay, cùng với VinFast là loạt nhà phân phối / lắp ráp như Hyundai Thành Công, Thaco, TMT, Toyota... đang đưa ra thị trường các mẫu xe thuần điện và xe hybrid. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 17.536 chiếc xe thuần điện.

Tại Việt Nam, sự phát triển của xe điện cũng đã khiến các đơn vị, công ty quan tâm đến đầu tư xây dựng trạm sạc. Chỉ tính riêng kế hoạch của VinFast (nay tách thành V-Green), Việt Nam sẽ có khoảng 150.000 cổng sạc đặt tại 63 tỉnh thành.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Huỳnh Thành Đạt, cho biết: "Mức độ tăng trưởng trạm sạc xe thời gian gần đây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và các nước có trạm sạc lớn như Mỹ và Hàn Quốc".

 - Ảnh 5.

Hiện tại, xe hybrid cũng đang là một lựa chọn thân thiện với môi trường.

Sự phát triển của trạm sạc cần đi đôi với các tiêu chuẩn và quy chuẩn. Nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn, trong đó có 8 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc phục vụ xe điện và 3 Tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm; tất cả các tiêu chuẩn vừa nêu đều do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Nếu như tiêu chuẩn đưa ra khuyến nghị, tự nguyện áp dụng thì quy chuẩn là điều bắt buộc áp dụng. Quy chuẩn được định nghĩa là quy định về giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý, được áp lên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội; quy chuẩn phải được tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện chưa nằm trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

 - Ảnh 6.

Việt Nam chưa ban hành quy chuẩn đối với trạm sạc cho xe điện.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết: "Theo báo cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, các tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện đã được ban hành. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có báo cáo chi tiết về thông số kỹ thuật, các quy chuẩn trong các tiêu chuẩn này. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng quy chuẩn theo quy trình rút gọn".

Cùng phối hợp thực hiện với Bộ Khoa học và Công nghệ là Bộ Công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Hồng Diên, phát biểu: "Bên cạnh những tiêu chuẩn, quy chuẩn chung đã có, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho các trụ/trạm sạc. Việc này cần triển khai theo quy trình rút gọn để có thể hoàn thành trong tháng 9/2024. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cần bổ sung quy hoạch xây dựng các trạm sạc điện ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc… Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện".


(0) Bình luận
'Xương sống' ngành xe điện ở Việt Nam tăng trưởng thần tốc, vượt cả Mỹ, Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO