Du lịch đổi thay Tà Xùa
Nhớ lại chuyến công tác Tà Xùa đầu tiên vào tháng 9/2020, khi đó, theo như ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch huyện Bắc Yên chia sẻ, với nguồn vốn ngân sách của địa phương hạn chế, huyện chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp xã hội hoá đầu tư để phát triển xã Tà Xùa thành địa điểm du lịch trải nghiệm. Kỳ vọng năm 2023 Tà Xùa sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Nay điều tâm niệm đó của vị Chủ tịch huyện đã trở thành sự thật khi Tà Xùa đã thực sự thay da đổi thịt, người dân bản địa bắt đầu biết cách làm du lịch và doanh nghiệp đã cùng người dân, chính quyền địa phương xây dựng nên tour du lịch trải nghiệm đáng nhớ.
Hành trình du lịch Tà Xùa 3 ngày 2 đêm lần này đoàn công tác của chúng tôi nghỉ tại Homestay Trà Mây Tà Xùa nằm ở bản Bẹ. Chúng tôi được chủ homestay là ông Phạm Vũ Khánh (Chủ tịch công ty Tafood) và bà Nguyễn Thị Thắm (Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc) tự tay pha cho khách những ấm trà shan tuyết cổ mang thương hiệu Shanam được hái và sản xuất ngay tại xưởng của Công ty.
Trong tiết trời giá lạnh của vùng núi có độ cao trên 1.500m, chúng tôi được thưởng thức những chén trà shan tuyết nóng hổi, vàng óng sóng sánh như mật ong, đượm thơm hương vị của đất trời khiến lòng người say đắm.
Hôm sau chúng tôi dậy thật sớm săn mây trên sống lưng Khủng Long. Trời đất thật chiều lòng người, mặc dù đến nơi lúc 7h sáng, giữa cảnh núi non hùng vĩ nhưng những áng mây trắng muốt vẫn sà xuống chân tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hoặc.
Hành trình tiếp theo đoàn công tác được đến thăm cây cô đơn, mỏm đá cá Heo, rừng sơn tra (táo mèo), rừng chè cổ. Mỗi một địa điểm đều là những trải nghiệm tuyệt vời bởi mặc dù trong cái lạnh tê tái của cuối đông nhưng khí hậu nơi đây vẫn mang một âm hưởng đầy sức sống.
Thăm rừng chè cổ ở bản Bẹ như lạc vào “chốn thần tiên”, bởi cảnh sắc hùng vĩ của đất, của trời quện lại với nhau và ở đây còn có tới hàng trăm cây chè có độ tuổi từ 80-300 năm. Cây chè cổ đã nuôi sống đồng bào ở đây qua bao mùa xuân. Và cũng chính rừng chè này là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy trà của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc.
Bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, mùa hái chè từ tháng 4 đến tháng 10, trung bình hàng ngày Công ty thu mua hàng tấn búp chè. Chè được phân loại ra thành 1 tôm1 lá, 1 tôm 2 lá, 1 tôm 3 lá... Tuỳ từng loại để có thể sản xuất ra Bạch Trà mây, Bạch Trà thiên hay trà xanh...
Nguyên liệu Công ty mua của bà con dao động từ 80.000-150.000 đồng/kg, đây là mức giá thu mua cao nhất. Bởi trước đó khi chưa có nhà máy đặt tại Tà Xùa, bà con phải “một nắng hai sương” bán cho thương lái giá khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, thu nhập không ổn định, đời sống bấp bênh. Nay bà con hái được bao nhiêu, Công ty bao tiêu sản phẩm hết đến đó.
Thành công với mô hình du lịch trải nghiệm
Trong câu chuyện về trà, bà Nguyễn Thị Thắm cho biết, trước đó homestay Trà Mây Tà Xùa đặt tại trung tâm xã, nhưng hơn 1 năm trở lại đây, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đã khởi công xây dựng homestay và chuyển nhà máy sang bản Bẹ. Việc tổ chức du lịch trải nghiệm mang đến rất nhiều ý nghĩa cho lao động địa phương. Bởi ngoài những tháng thu hoạch chè, còn lại những tháng nông nhàn, người lao động trong nhà máy sẽ tham gia làm du lịch trải nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, thăm danh lam thắng cảnh chỉ là một hành trành trong tour trải nghiệm ở Tà Xùa, vì buổi tối ở Tà Xùa ập về rất nhanh, hơn nữa tại đây không có hoạt động kinh tế ban đêm dễ làm nản lòng du khách.
Trong tour du lịch, du khách còn được trải nghiệm pha những ấm trà Shanam cổ, cùng người dân bản địa hái chè trên núi cao, mang về nhà máy tự tay sản xuất ra trà thành phẩm.
Khu “Tổ hợp sản xuất kinh doanh chè đặc sản Tà Xùa kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm trà” do Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đầu tư xây dựng từ tháng 3/2021, đi vào vận hành từ 15/7/2022. Tổ hợp gồm có 2 khu: Khu sản xuất chế biến, đóng gói và giới thiệu sản phẩm; Khu thăm quan trưng bày và trải nghiệm trà và lưu trú.
Chúng tôi và nhiều đoành du khách được thực hành trải nghiệm từng công đoạn sản xuất ra được sản phẩm trà Shanam hoàn chỉnh. Ai cũng phấn khởi có được sản phẩm đầu tay do các nghệ nhân người bản địa hướng dẫn.
Nhìn nhà máy đơn giản là thế, nhưng tại đây đã sản xuất ra nhiều loại trà nức tiếng, tham gia các cuộc thi về trà trong nước và trên thế giới. Điển hình như Trà Xanh Thiên, Trà Xanh Mây mang thương hiệu Shanam đã đạt chứng nhận Ocop 4 sao của tỉnh, được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019.
Sản phẩm trà của công ty còn nhận được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi trà quốc tế như: giải Bạc châu Á - Thái Bình Dương, Giải Đồng cuộc thi trà tại Pháp, Top 1 dòng trà xanh thế giới tại Mỹ... Đặc biệt, 5 năm trở lại đây sản phẩm trà ép bánh xuất xứ Việt Nam đã và đang định hình một trào lưu thưởng thức, sưu tầm mới bởi người mua.
Thông qua mô hình trải nghiệm trà của thương hiệu trà Shanam, người chơi trà ép bánh Việt Nam có thể tận mắt chứng kiến và hoàn toàn yên tâm khi lưu trữ những bánh trà ép Việt 10 năm, 20 năm thậm chí cả trăm năm...
Ý tưởng kết hợp giữa du lịch và trải nghiệm cùng người dân bản địa thu hái, sản xuất trà đã hoàn thành vượt tiến độ, cột mốc được vị Chủ tịch huyện mong chờ đã đến sớm hơn. Trong tiết trời cuối đông, hửng lên những tia nắng ấm áp, dường như mùa Xuân đến sớm ở Tà Xùa